(HNM) - Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, cứ 2.000 trẻ có 1 trẻ bị bệnh lưỡng tính (hay còn gọi là bệnh ái nam ái nữ). Ước tính, mỗi năm có từ 30 đến 35 trẻ bị mắc.
(HNM) - Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, cứ 2.000 trẻ có 1 trẻ bị bệnh lưỡng tính (hay còn gọi là bệnh ái nam ái nữ). Ước tính, mỗi năm có từ30 đến 35 trẻ bị mắc.
Tuy nhiên, quan niệm về bệnh này rất khác nhau, người thì cho đó là một hiện tượng bình thường, song không ít người có thái độ phân biệt đối xử với ngườì bệnh. Được biết, Bộ Y tế đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định xác định lại giới tính. Hy vọng rằng rồi đây, những người không may mắn ấy sẽ có cơ hội được sống, sinh hoạt và được chấp nhận như những người bình thường khác trong xã hội.
Khi một đứa trẻ chào đời, mối quan tâm đầu tiên của người thân thường là giới tính: con trai hay con gái.Theo PGS Đặng Trần Duệ, tác giả cuốn sách “Thường thức bệnh nội tiết” thì đa số mọi người sinh ra đều có giới tính rõ ràng, nhưng cũng có không ít người có bộ phận sinh dục không phân biệt được là nam hay là nữ. Trong ngôn ngữ thông thường, chúng ta gọi đó là ái nam ái nữ, còn y học gọi là tình trạng sinh học lưỡng tính hoặc tình trạng chưa phân rõ giới tính.
Ngày nay, khoa học đã chứng minh rằng, lúc đầu tuyến sinh dục luôn có hai khả năng phát triển thành nam hoặc nữ. ở người bình thường, nhờ tác dụng của gen xác định giới tính, tinh hoàn được tạo ra và ức chế phát triển. Nếu thai là nữ, buồng trứng và hệ thống sinh dục nữ được tạo ra không có sự hiện diện của hormone nam. Còn ở những người bị ái nam ái nữ, bộ phận sinh dục của họ phát triển không bình thường. Căn nguyên của hiện tượng sinh dục lưỡng tính có thể là do hậu quả của sự biệt hóa không bình thường ngay trong giai đoạn đầu khi hình thành bào thai dẫn đến bệnh bẩm sinh không có tinh hoàn hoặc bệnh ái nam ái nữ thật (vừa có tinh hoàn vừa có buồng trứng). Hoặc thai nhi vốn là nữ nhưng bị tác động của hormone nam khi còn ở trong bụng mẹ, có nghĩa là một bé gái bị nam hóa hay còn gọi là ái nam ái nữ giả (gặp trong hội chứng tăng sinh thượng thận bẩm sinh và cũng có thể do mẹ uống thuốc có tác dụng nam hóa trong thời kỳ mang thai). Hay thai nhi vốn có tinh hoàn nhưng các dấu hiệu nam tính kém phát triển (ái nam ái nữ giả ở con trai) có thể gặp ở trong cácbệnh hội chứng kháng hormone nam, tinh hoàn cả hai bên không xuống bìu mà ở lại trong bụng (ẩn tinh hoàn hai bên).
Khi tiếp xúc với 2 người mẹ có con mắc bệnh tại Bệnh viện Nhi TƯ, chúng tôi mới thấy hết nỗi buồn khổ của họ. Cha mẹ bệnh nhi 9 tháng tuổi N.T.N không dám nói về con mình, họ giấu cả họ hàng, hàng xóm đưa con đi bệnh viện. Họ nói rất sợ sau này khi con lớn lên phải sống cuộc sống không bình thường. Sinh dục lưỡng tính đã không chỉ là mối lo của gia đình mà còn là vấn đề y học, xã hội, pháp lý quan trọng. Vì vậy, trong khi xã hội vẫn còn cái nhìn thiếu thiện cảm với người mắc bệnh này, ngay sau khi sinh nếu thấy bộ phận sinh dục của trẻ không bình thường hoặc nhìn mà không xác định được giới tính rõ ràng, cha mẹ nên đưa con mình đến các bệnh viện chuyên khoa để điều trị kịp thời. Các bác sỹ sẽ thảo luận tính chất của bệnh, quyết định việc chuyển đổi giới tính và đưa ra phương hướng giáo dục sao cho có lợi nhất đối với đứa trẻ.
Trúc Linh
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.