(HNM) - Bệnh loãng xương thường xảy ra ở người cao tuổi. Nếu không khám và phát hiện kịp thời, bệnh có thể biến chứng như gây xẹp xương sống, gãy xương…
Ths.BS Hà Quốc Hùng-Trưởng khoa khám bệnh theo yêu cầu và quốc tế (Bệnh viện Lão khoa Trung ương) khám bệnh cho người cao tuổi. Ảnh: Quang Thái |
Thường xảy ra với người trên 50 tuổi
Loãng xương là hiện tượng tăng phần xốp của xương do giảm số lượng tổ chức xương, giảm trọng lượng của một đơn vị thể tích xương. Đây là hậu quả của sự phá vỡ cân bằng hai quá trình tạo xương và hủy xương. Quá trình tạo xương suy giảm trong khi quá trình hủy xương bình thường. Bệnh này thường gặp ở người cao tuổi.
Nguyên nhân gây loãng xương được chia làm hai loại: nguyên phát và thứ phát. Loãng xương thứ phát xuất hiện ở mọi lứa tuổi, do một số nguyên nhân như: Bất động quá lâu, bệnh nội tiết (cường vỏ thượng thận, cường giáp trạng); bệnh thận (thải nhiều canxi, chạy thận nhân tạo, thiếu chất hydroxylase trong sơ đồ chuyển hóa vitamin D); lạm dụng corticoid, heparin; hút thuốc lá, uống nhiều rượu; ít hoạt động thể lực…
Loãng xương nguyên phát xảy ra ở tuổi mãn kinh của nữ giới và ở người già.
Xương là một cơ quan luôn trong trạng thái liên tục đổi mới, xương mới sẽ liên tục được tạo ra và xương cũ bị phá vỡ. Khi còn trẻ, cơ thể tạo ra xương mới nhanh hơn, do đó khối lượng xương sẽ tăng lên. Hầu hết mọi người đạt được khối lượng xương cao nhất vào khoảng 20 tuổi.
Khi lớn tuổi, khối lượng xương bị mất đi nhanh hơn nó được tạo ra, từ đó gây nên bệnh loãng xương. Do đó, khả năng bị loãng xương phụ thuộc vào khối lượng xương cao nhất đã đạt được khi còn trẻ. Nếu khối lượng xương cao, tức là đã “dự trữ” được nhiều xương hơn và càng ít thì càng có khả năng bị loãng xương khi về già.
Sự suy giảm oestrogene (nội tiết tố nữ) ở phụ nữ mãn kinh khiến tốc độ hủy xương cao hơn tạo xương, làm khung xương ngày càng thưa, dẫn đến loãng xương. Đây là nguyên nhân chính gây loãng xương ở phụ nữ mãn kinh. Chính vì thế, bệnh loãng xương tăng dần theo tuổi. Phụ nữ sau tuổi mãn kinh (khoảng sau 50 tuổi) dễ bị loãng xương. Phụ nữ có nguy cơ bị loãng xương cao hơn nam giới.
Triệu chứng của loãng xương là: Đau khi ngồi lâu, khi thay đổi tư thế; đau ở toàn thân hay các vị trí chịu sức nặng cơ thể (cột sống thắt lưng, chậu hông); đau mỏi mơ hồ ở cột sống, đau dọc các xương dài, đặc biệt xương cẳng chân (các dấu hiệu này thường bị nhầm với một số bệnh khác như thoái hóa khớp); chiều cao cơ thể giảm rõ rệt so với khi còn trẻ tuổi do xẹp đốt sống; gù vẹo; xương dễ gãy.
Cần dự phòng khi còn trẻ
Theo Ths.BS Hà Quốc Hùng - Trưởng khoa khám bệnh theo yêu cầu và quốc tế (Bệnh viện Lão khoa Trung ương), loãng xương là bệnh nguy hiểm vì gây nên tình trạng gãy xương, đặc biệt ở người già. Với người già bị loãng xương, khi ngã, nguy cơ bị gãy xương là rất lớn. Trong khi đó, người già bị gãy xương thường lâu lành, thậm chí có trường hợp không thể can thiệp phải nằm một chỗ. Nằm lâu ngày, người bệnh dễ bị viêm phổi, biến chứng nhiễm trùng, nguy cơ tử vong cao. Ngoài ra, bệnh loãng xương gây giảm khả năng vận động, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.
Trong quá trình khám bệnh, vị bác sỹ này gặp nhiều cụ ông, cụ bà do ngại phiền hà con cháu hoặc quan niệm “già rồi thì phải thế” nên khi bị đau xương, đau khớp đến mức không chịu được mới đi khám. Lúc đó, loãng xương đã ở mức độ nặng. Nhiều trường hợp bị xẹp đốt sống, thậm chí có trường hợp bị ngã gãy xương đùi. Vì vậy, việc chữa trị khó khăn hơn.
“Người cao tuổi cần khám sức khỏe định kỳ và đo mật độ xương. Nếu loãng xương ở mức độ nhẹ, việc chữa trị sẽ dễ dàng hơn”, bác sỹ Hùng khuyến cáo.
Để dự phòng loãng xương, Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu và quốc tế cho hay, cần thực hiện ngay từ khi còn trẻ để có khối lượng xương dự trữ lớn nhất có thể. Đó là: Có chế độ ăn uống đảm bảo đủ canxi. Sản phẩm có nhiều canxi là sữa và các sản phẩm từ sữa (như: Sữa chua, phomat…), cá, súp lơ xanh, cải xoăn, củ cải đường, rau xanh đậm, hạt đậu nành, tôm, cua. Đồng thời, bổ sung vitamin D trong khẩu phần ăn hằng ngày; điều trị tốt các bệnh có thể gây loãng xương thứ phát.
Tập thể dục là phần quan trọng để phòng tránh loãng xương, bởi tập thể dục không chỉ giúp xương khỏe mạnh, mà còn làm tăng sức mạnh cơ bắp, sự phối hợp và cân bằng cơ thể, từ đó giúp sức khỏe tốt hơn. Mặc dù tập thể dục tốt cho dự phòng và cho người bị loãng xương, nhưng cũng phải cẩn thận, tránh vận động quá mạnh có thể dẫn đến gãy xương.
Một việc nữa cần làm là đi kiểm tra sức khỏe định kỳ và đo mật độ xương.
Những người đã bị chẩn đoán loãng xương cần tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn điều trị và chế độ dinh dưỡng, tập thể dục của bác sỹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.