(HNM) - Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn khẳng định, với con đường lây truyền từ động vật sang người và tỷ lệ tử vong là 100%, bệnh dại rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 4 ca tử vong ở các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Sơn Tây và Hoài Đức.
Thứ trưởng cũng thừa nhận, nghị định của Chính phủ về khống chế bệnh dại đã ban hành từ năm 2007 nhưng còn nhiều địa phương chưa làm gì để phòng, chống căn bệnh này. Mùa hè, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho bệnh dại phát triển, vì thế, có hạn chế được tỷ lệ mắc và tử vong hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức cũng như kiến thức phòng bệnh của người dân.
Tiêm vắc xin phòng dịch cho gia súc sẽ góp phần phòng chống dịch bệnh trong mùa hè. |
Nguồn truyền bệnh từ chó nhà
Theo Bộ Y tế, về cơ bản nước ta đã khống chế được bệnh dại trên toàn quốc với khoảng 5.800.000 người bị súc vật cắn được điều trị dự phòng trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong năm 2007, vẫn có hơn 90 trường hợp tử vong do bệnh dại, tập trung chủ yếu ở 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang và Gia Lai. Theo các chuyên gia y tế của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virút dại có tên khoa học Rhabdovirus gây nên. Động vật bị bệnh dại truyền virút dại sang người qua vết cắn, vết cào, vết xước trên da và niêm mạc bị tổn thương.
Ở nước ta, chó nhà nuôi là nguồn truyền bệnh dại cho người nhiều nhất (khoảng 95-97%), tiếp đến là mèo. Thời gian qua, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công văn chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nghiêm những nội dung trong Chỉ thị 92/TTg về tăng cường phòng, chống bệnh dại, song đến nay nước ta vẫn chưa triệt tiêu được nguồn truyền bệnh dại. Đàn chó nuôi vẫn tăng nhanh, trên 10 triệu con. Điều đáng nói là ngay cơ quan thú y, hiện cũng không thống kê được số ổ dịch chó dại và số chó chết vì bệnh dại. Do chó nuôi số lượng lớn, nuôi thả rông, không có xích, rọ mồm, không được tiêm phòng nên mỗi năm vẫn có khoảng 500.000 người bị chó cắn phải tiêm phòng dại (tỷ lệ cao nhất thế giới), gây áp lực rất lớn cho ngành y tế.
Đã lên cơn dại là tử vong
Các chuyên gia y tế của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ khuyến cáo, khi đã bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, nạn nhân phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng hay nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn... Xử lý tại chỗ vết thương càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng virút dại tán phát càng hiệu quả. Sau đó, nạn nhân phải đến ngay cơ sở y tế để tiêm vắcxin. Nếu đúng bị chó dại cắn, người bệnh không được tiêm vắc xin dại sẽ bị bệnh dại và có diễn biến bệnh theo 2 thời kỳ là ủ bệnh, phát bệnh. Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30-90 ngày. Vết thương càng nặng thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời kỳ phát bệnh thường từ 2-4 ngày. Trước đó, bệnh nhân bị đau nhức, sưng tấy tại vết cắn và lan dọc theo hệ thần kinh kèm theo cảm giác bồn chồn, thổn thức... Sau đó, bệnh nhân sẽ bị co cứng, co thắt cơ thực quản và hô hấp, sợ gió, hạ huyết áp, giãn đồng tử, phản ứng cơ thể dữ tợn... Tất cả bệnh nhân khi đã lên cơn dại đều bị tử vong. Vì thế, ý thức phòng tránh bệnh của mọi người dân là rất quan trọng.
Được biết, Chính phủ, Bộ Y tế đã đưa ra mục tiêu phấn đấu loại trừ cơ bản bệnh dại trên toàn quốc vào năm 2015. Để đạt được mục tiêu này, đối với y tế dự phòng cơ sở, Bộ Y tế vừa yêu cầu phải tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh đến mọi người dân. Người dân không được chủ quan; chó, mèo nuôi nhất thiết phải được tiêm phòng dại định kỳ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.