Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bên cạnh niềm vui...

Lê Nhật Huy| 03/01/2011 06:42

(HNM) - Những ngày đầu năm mới 2011, hàng loạt tin vui dồn dập tới. Sáng 1-1-2011, 460 hành khách nước ngoài đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh để "xông đất", tương tự sáng hôm qua (2-1-2011), tàu khách quốc tế EUROPA tiêu chuẩn "5 sao" chở 450 khách du lịch nước ngoài cập bến ở TP Hoa phượng đỏ...

Còn rất nhiều con số đầy ấn tượng của ngành du lịch. Không phải bỗng dưng thời điểm này chúng ta gặt hái được những thành công như vậy. Còn nhớ, năm 2010 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức kỷ lục với hơn 5 triệu lượt người. Góp mặt cùng với những di sản văn hóa của Việt Nam, trong năm trước (2010) ba di sản của Hà Nội được UNESCO vinh danh - đó không chỉ là dấu mốc trong lịch sử đúng vào năm Hà Nội kỷ niệm tròn nghìn năm tuổi mà ngay trong hơn 60 năm hoạt động của UNEScO, chưa từng có địa phương nào của một quốc gia có 3 thể loại di sản được tổ chức này vinh danh trong cùng một năm. Với khu vực, châu lục và trên thế giới, trong mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện.

Cũng trong những ngày qua, một vị quan chức của Bộ Xây dựng đã khẳng định, năm 2011 này sẽ có 70 nghìn hộ dân có thu nhập thấp được tiếp cận nhà ở. Điều đó đồng nghĩa với hơn 3 triệu mét vuông sàn xây dựng được hoàn thành trong năm nay và đưa ra thị trường không với cái giá "ở trên trời" mà người nghèo có mơ cả đời cũng chưa bao giờ hy vọng.

Những sự kiện, con số cứ nối tiếp nhau trong những ngày đầu năm làm lòng người lâng lâng niềm vui. Nhưng bên cạnh đó vẫn chưa hết những trăn trở, lo toan. Trong buổi họp cuối năm 2010 với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: Năm 2011 vẫn chưa hết khó khăn, thách thức. Thủ tướng bộc bạch, đất Hà Nội đắt hơn Tokyo, Paris, quản lý thế này rất nguy. Người đứng đầu Chính phủ còn tiếp tục đưa ra một dẫn chứng cụ thể: "Ta xuất khẩu thép gần 1 tỷ USD nhưng thực chất nhà đầu tư tranh thủ lấy đất đai, giá điện rẻ nhập phôi đem đi cán để xuất khẩu. Lại có những nhà máy thép sử dụng tới hơn 50% sản lượng điện của tỉnh...". Tóm lại là còn rất nhiều việc phải làm để thể hiện hiệu lực, hiệu quả quản lý từ Chính phủ, các bộ, ngành đến các địa phương.

Nói ngay như trong lĩnh vực du lịch, dù chúng ta đạt được kết quả như đã nêu ở trên, song so với tiềm năng ngành "công nghiệp không khói" của Việt Nam thì điều đó vẫn chưa là tương xứng. Những cái thiếu, những cái yếu chúng ta đã đề cập tới rất nhiều, thậm chí trở thành chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Nhưng chắc chắn vẫn còn phải tiếp tục đề cập và mổ xẻ bởi phân tích ra, lượng khách quốc tế quay trở lại dải đất hình chữ S này vẫn còn quá ít, bởi hạ tầng của chúng ta khập khiễng, chưa thể đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu... Và không cần phải so sánh đâu xa, nếu có điều kiện tham quan việc làm ăn trong lĩnh vực này của một số quốc gia cùng khu vực như Singapore, Malaysia... thậm chí ngay cả những người láng giềng như Lào, Campuchia, chúng ta vẫn còn nhiều điều phải học.

Và không chỉ ở trong lĩnh vực du lịch, vấn đề quy hoạch, chọn mũi nhọn đầu tư, vấn đề quản lý, xây dựng cơ sở hạ tầng... lĩnh vực nào chúng ta cũng còn những tồn tại rất đáng phải suy nghĩ. So với ngày hôm qua, so với những giai đoạn trước, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu mà khu vực, châu lục và thế giới đều phải công nhận. Song không thể thỏa mãn với điều đó bởi phía trước chúng ta còn không ít việc phải làm để thực sự hóa rồng, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bên cạnh niềm vui...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.