Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bên cạnh những thành tựu kinh tế, Việt Nam đã chú trọng tới lĩnh vực xã hội và bảo vệ người dân

Phương Quỳnh| 12/01/2011 07:17

(HNM)- Ngày 12-1, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI chính thức khai mạc. Đây là một sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh cả dân tộc đang nỗ lực vì một nước Việt Nam giàu mạnh, đóng góp nhiều hơn nữa vào nền hòa bình, thịnh vượng trong khu vực và thế giới. Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Nhiều tờ báo nước ngoài đánh giá tầm quan trọng của Đại hội.


Công việc trang hoàng chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI qua ống kính phóng viên Reuters.


Một bài báo trên trang nhất của Tân Hoa xã - một trong những tờ báo chính thống lớn nhất của Trung Quốc - ngày 11-1 viết, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI đang thu hút sự quan tâm rộng lớn, bởi đây là một sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Theo Tân Hoa xã, để chuẩn bị cho Đại hội XI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nỗ lực hướng dẫn tổ chức đại hội đảng các cấp, đưa các dự thảo văn kiện tới tất cả người dân trong và ngoài nước để thu thập ý kiến đóng góp nhằm bảo đảm tinh thần cải cách và sự nhất trí trong Đảng và trong nhân dân Việt Nam. Bài báo trích lời Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Bắc Son: "Đại hội Đảng lần này đánh dấu đại hội đầu tiên của thập kỷ thứ hai trong thế kỷ XXI và đây cũng là thời điểm để Đảng Cộng sản Việt Nam nhìn lại 80 năm ra đời, chiến đấu, trưởng thành và lãnh đạo cách mạng... Đại hội sẽ tập trung vào chủ đề tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại".

Trong khi đó, trang web của Trung tâm Nghiên cứu quan hệ quốc tế và phát triển (CEPRID) của Tây Ban Nha vừa đăng bài viết của nhà phân tích chính trị Alberto Cruz, đánh giá tầm quan trọng của Đại hội Đảng lần thứ XI đối với tương lai của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đối ngoại. Ông A.Cruz nhận định rằng, Đại hội Đảng lần này không chỉ đóng vai trò then chốt trong việc quyết định hướng đi của quá trình Đổi mới tại Việt Nam, mà còn xác định con đường hội nhập quốc tế của Việt Nam. Tác giả bài báo đã điểm lại chặng đường hơn hai thập kỷ Đổi mới vừa qua của Việt Nam, đồng thời nhận định: khác với các nước Đông Nam Á khác, bên cạnh những thành tựu kinh tế, Việt Nam vẫn chú trọng tới lĩnh vực xã hội và bảo vệ người dân với những chính sách cụ thể như tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh đầu tư vào những dự án hạ tầng lớn để bảo đảm nguồn cung việc làm. Chính điều đó đã giúp Việt Nam đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua tốt hơn so với những "con hổ châu Á" khác. Ngân hàng Thế giới (WB) đã thừa nhận cuộc khủng hoảng vừa qua chỉ làm giảm 37% tốc độ tăng trưởng của Việt Nam, trong khi chỉ số này là 155% đối với Thái Lan, 137% với Malaysia, 219% với Mỹ, 224% với Liên minh châu Âu (EU) và 335% với Nhật Bản.

Báo mạng Radio Australia (Đài Phát thanh Australia) cho rằng, Đại hội Đảng XI sẽ có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 và đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Indonesia và Philippines. Tại Đại hội Đảng lần này, các đại biểu sẽ bầu ra bộ máy lãnh đạo mới cho đất nước; đồng thời đề ra chiến lược phát triển trong thập kỷ tới.

Bản tin phát trên Đài Australia và Chương trình "Liên kết châu Á" của Hãng tin ABC ngày 10-1 cho rằng, Đại hội Đảng lần thứ XI sẽ bầu và sắp xếp lại nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa mới (nhiệm kỳ 2011-2015); đồng thời đưa ra những chiến lược kinh tế - xã hội trong 10 năm tới (2011-2020).

Nhiều hãng thông tấn quốc tế khác cũng đã có bài viết về Đại hội lần thứ XI của Đảng. Đa số bài viết đều thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến việc Đại hội lần này sẽ bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa mới và vạch ra chiến lược phát triển của Việt Nam trong 10 năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bên cạnh những thành tựu kinh tế, Việt Nam đã chú trọng tới lĩnh vực xã hội và bảo vệ người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.