(HNM) - Không còn tình trạng ăn uống kéo dài nhiều ngày và đặc biệt là tệ chơi cờ bạc, những đám cưới diễn ra trên địa bàn quận Hà Đông đã được tổ chức giản tiện hơn nhưng vẫn ấm áp niềm vui trong ngày trọng đại của đôi trẻ.
Một nếp sống văn minh đã hình thành và được giới trẻ chọn lựa, đúng với tinh thần Chỉ thị số 11 của Thành ủy Hà Nội. Thực tế ở quận Hà Đông cho thấy, một việc dù rất khó, sẽ thực hiện được nếu có cách làm hợp lý, hợp tình. Đây cũng là nội dung cuộc trao đổi của Báo Hànộimới với Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa.
|
Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa. |
Đảng viên đi trước- Trước thời điểm Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU (ngày 3-10-2012) về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố thì Quận ủy Hà Đông đã có Chương trình số 06-CTr/QU ngày 12-1-2009 về vấn đề này. Tại sao, quận Hà Đông lại lựa chọn việc cưới, việc tang để đưa vào thành nội dung trọng tâm của một chương trình công tác?- Trở thành một quận nội thành của Thủ đô Hà Nội, Hà Đông có nhiều việc phải làm. Đó là phải nhanh chóng quy hoạch, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nâng cao đời sống nhân dân. Song song với đó cần phải đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân ngày một phong phú, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. Với nhận thức như vậy, Quận ủy đã ban hành Chương trình 06-CTr/QU về đẩy mạnh việc cưới, việc tang theo nếp sống mới, đồng thời xác định chuyển biến trong việc cưới, việc tang sẽ là tiền đề quan trọng để xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
- Xây dựng nếp sống văn hóa là cả quá trình và muốn chuyển đổi hành vi không còn phù hợp với thực tiễn thì cần thiết phải có thêm những biện pháp “mềm” để hỗ trợ các biện pháp “cứng” là các văn bản, chỉ thị?- Đúng vậy! Phương châm của chúng tôi là lấy “xây” để “chống”; vận động, thuyết phục gắn với xử lý vi phạm. Để thực hiện, chúng tôi chú trọng tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Đến nay, 100% chi bộ đảng tổ chức cho đảng viên ký cam kết; các nhà hàng, khách sạn cũng đã ký kết với UBND các phường. Việc thực hiện Chương trình 06-CTr/QU trở thành một tiêu chí để bình xét thi đua, xếp loại đảng viên, đoàn viên, hội viên và cơ quan, gia đình văn hóa. Cùng với đó, các tổ dân phố thành lập Ban vận động, phân công các thành viên phụ trách từng khu vực dân cư hoặc hộ gia đình để nắm bắt, thăm hỏi, chung vui hoặc chia buồn; đồng thời trực tiếp vận động gia đình thực hiện cam kết. Đây chính là biện pháp “mềm” để cho mục tiêu của chương trình đề ra từng bước được nhân dân tiếp nhận và ngấm sâu vào nhận thức của họ.
- Với chương trình này, đối tượng thực hiện trước hết là đảng viên. Vậy, quận đã có những giải pháp gì để cán bộ, đảng viên làm gương?- Chúng tôi xác định, việc khó thì phải bắt đầu từ đảng viên để tạo chuyển biến. Hầu hết các chi bộ đảng đều ban hành một nghị quyết chuyên đề về công tác này, yêu cầu 100% đảng viên cam kết thực hiện. Cụ thể, khi gia đình đảng viên có việc phải tổ chức tiết kiệm, phù hợp với hoàn cảnh gia đình, không thách cưới bằng tiền mặt, lễ vật không cầu kỳ. Đám cưới chỉ diễn ra trong một ngày, không mời quá 40 mâm cỗ, không hút thuốc lá, không chơi cờ bạc, không mở loa đài công suất lớn trước 5h sáng, sau 22h đêm… Sau khi đảng viên cam kết, chúng tôi tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm để xử lý hoặc đề xuất xử lý theo quy định. Tạo được chuyển biến trong gia đình đảng viên, các chi bộ tiếp tục phân công chính những đảng viên đã chấp hành tốt phối hợp với trưởng ban công tác Mặt trận, tổ trưởng dân phố, chi hội trưởng hội phụ nữ xuống từng hộ dân vận động, yêu cầu cam kết. Do vậy, hiện nay trong các đám cưới, đám tang, số mâm cỗ đã giảm từ 80 đến 100 mâm xuống còn dưới 40 mâm, không hút thuốc lá, đặc biệt không còn tình trạng chơi cờ bạc…
- Bà có nghĩ, tổ chức việc cưới, việc tang theo nếp sống mới mục đích chủ yếu là để “gò” cán bộ, đảng viên vào “khuôn”? Trong thực tế, người dân bình thường không có điều kiện để tổ chức tiệc cưới, đám tang to như cán bộ?- Việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hóa là hết sức cần thiết nhằm tiết kiệm, chống lãng phí về tiền của, thời gian, công sức, giảm bớt khó khăn cho gia đình có công việc, phù hợp với thuần phong mỹ tục, xu thế của thời đại. Vì vậy, tất cả cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân có trách nhiệm thực hiện.
Bằng chứng là 5 năm qua thực hiện chương trình đã tạo được chuyển biến rất rõ rệt. Chỉ đơn cử như trước đây, các xã mới chuyển thành phường có tục lệ mời cả làng, cả thôn đến ăn cỗ đám cưới, đám ma để “trả nợ miệng” (từ 150 đến 200 mâm) nay đã chuyển biến về nhận thức, số lượng khách mời giảm rõ rệt. Số đám cưới mời khách ăn cỗ trong giờ hành chính cũng giảm nhiều. Nếu như thời gian đầu, nhiều đồng chí lãnh đạo và nhân dân nghi ngờ về tính khả thi của Chương trình 06-CTr/QU, khó chiến thắng được những quan niệm, hủ tục lạc hậu ăn sâu, bám rễ trong đời sống từ bao đời nay thì nay chính sự đồng lòng, quyết tâm của cấp ủy các cấp, cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân đã mang lại kết quả như mong đợi. Trước năm 2009, việc cưới thực hiện đúng nội dung chương trình chỉ đạt 60,8%, việc tang thực hiện tốt là 77,6%, đến nay tỷ lệ này là 99,42% đối với việc cưới và 100% đối với việc tang, trong đó số đám tang thực hiện hỏa táng đạt 58%.
- Trong 5 năm qua, có đảng viên nào không chấp hành các quy định buộc Quận ủy phải xử lý, thưa bà?- Quan điểm của quận rất rõ: Gia đình nào chấp hành tốt được biểu dương, khen thưởng và chúng tôi đã tổ chức 3 hội nghị sơ kết, khen thưởng 74 tập thể, 40 cá nhân thực hiện tốt. Ngược lại, gia đình nào, đặc biệt là cán bộ, đảng viên không chấp hành đều bị xử lý. Quận ủy, các Đảng ủy đã xử lý 20 cán bộ, đảng viên vi phạm, hình thức cao nhất là cách chức, miễn nhiệm, chuyển công tác (đối với 4 đảng viên), nhẹ là khiển trách, cảnh cáo, nhắc nhở, gửi thông báo đến cơ quan quản lý... Điều đó để khẳng định quyết tâm và cả sự dũng cảm của Đảng bộ quận Hà Đông. Đối với tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể có đảng viên, đoàn viên, cán bộ công chức vi phạm quy định sẽ không được công nhận là tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ đó đến nay, không có đảng viên nào vi phạm.
Hình thành nếp sống mới trong giới trẻ- Nhiệm kỳ 2010-2015, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về tổ chức việc cưới theo nếp sống văn hóa mới. Việc triển khai chỉ thị của Thành ủy có sự khác biệt so với Chương trình 06 của Quận ủy Hà Đông không, thưa bà? - Sau khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 11, Quận ủy Hà Đông đã ban hành Nghị quyết 7B-NQ/QU điều chỉnh, bổ sung một số quy định về việc cưới trong Chương trình số 06-CTr/QU cho phù hợp. Cụ thể hóa chỉ thị của Thành ủy, Quận ủy đã chỉ đạo Đài Truyền thanh quận xây dựng chuyên mục “Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” lên sóng chiều thứ năm hằng tuần. Ngoài ra còn tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử của quận. Đặc biệt, không chỉ phản ánh tiến độ, kết quả thực hiện một cách chung chung mà tập trung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến, tăng cường phản ánh, phê bình các sai phạm.
- Ngoài tỷ lệ đám cưới, đám tang tổ chức theo nếp sống mới cao, trên địa bàn quận đã hình thành những hình thức cưới rất đáng khích lệ như tổ chức tiệc trà, báo hỷ sau ngày cưới thay cho việc mời dự tiệc. Xin bà cho biết cụ thể hơn về các hình thức này?- Báo hỷ là một thủ tục thông báo cho mọi người biết thời gian tổ chức lễ cưới của uyên ương nhưng do điều kiện không cho phép nên không thể mời mọi người đến dự đông đủ. Đây là hình thức được khuyến khích thực hiện trên địa bàn quận nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa. Rất mừng, ngày càng có nhiều gia đình áp dụng hình thức này.
Bên cạnh đó, phải ghi nhận sự vào cuộc rất tích cực của tổ chức Đoàn. Trong 5 năm thực hiện, các cấp bộ Đoàn, Hội trong toàn quận đã tham gia đảm nhận trang trí cho 3.245 đám cưới, tổ chức chương trình văn nghệ cho 2.168 đám cưới. Và đã có 652 cán bộ, đoàn viên thanh niên tổ chức đám cưới bằng hình thức tiệc trà, báo hỷ. Đây là những nhân tố tiêu biểu góp phần nhân rộng phong trào tổ chức cưới theo nếp sống văn minh. Ngoài ra, đã có nhiều đơn vị như phường Phú Lãm thực hiện mô hình “Đám cưới thanh niên”. BCH Đoàn phường đứng ra chủ trì tổ chức đám cưới tiệc trà cho cán bộ, đoàn viên, giảm gánh nặng cho rất nhiều gia đình điều kiện kinh tế còn hạn hẹp. Hay, mô hình văn nghệ thanh niên trong các đám cưới tại phường Yên Nghĩa, trong đó BCH Đoàn phường phụ trách phần tổ chức hôn lễ và các tiết mục văn nghệ... Những mô hình thiết thực này đã giúp giới trẻ thay đổi nhận thức, tiếp cận nhanh với nếp sống văn hóa mới lành mạnh, văn minh. Đó là tín hiệu vui.
- Để thực sự tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc cưới theo tinh thần Chỉ thị 11 của Thành ủy, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, quận Hà Đông có thêm biện pháp gì triển khai xuống cơ sở?- Một mặt, Ban Thường vụ Quận ủy tăng cường tuyên truyền, mặt khác vẫn tiếp tục quy định đưa tiêu chuẩn thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hóa vào tiêu chí đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng cơ quan văn hóa, đơn vị văn hóa. Ngoài những điều đảng viên không được làm, sẽ có thêm quy định đảng viên, cán bộ, công chức không đi ăn cỗ, uống bia, rượu trong giờ hành chính; không sử dụng xe công đi ăn cưới hoặc phục vụ đám cưới... Quận ủy cũng chỉ đạo các đơn vị, đoàn thể tổ chức nhiều chương trình hội thảo, giao lưu chuyên đề tại cơ sở để tinh thần của Chỉ thị 11 ngấm sâu trong từng gia đình, từng khu dân cư.
Vẫn chưa hết băn khoăn- Theo bà, còn những điểm yếu nào quận Hà Đông cần khắc phục?- Mặc dù triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/QU của Quận ủy, thực hiện Chỉ thị số 11 của Thành ủy đã tạo được chuyển biến tích cực, nhưng chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác tuyên truyền, vận động có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, liên tục. Các thành viên Ban chủ nhiệm, Tổ công tác của quận được phân công nhưng do kiêm nhiệm nhiều việc nên chưa chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các phường thực hiện. Trên thực tế, đã có một số cán bộ, đảng viên tìm cách lách luật, tổ chức đám cưới ở ngoài địa bàn quận, hoặc kết hợp cả nhà trai và nhà gái nhưng đẩy số lượng mâm cỗ vượt quá quy định... Trong đám tang, việc phúng viếng vẫn còn nặng nề làm cho nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân băn khoăn trong khi đời sống còn nhiều khó khăn.
- Vậy đâu là vướng mắc và khó khăn cần phải tháo gỡ?- Việc thực hiện Chỉ thị số 11 của Thành ủy, Chương trình 06 của Quận ủy hiện nay đã đi vào nền nếp, song tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức của nhân dân về tổ chức việc cưới, việc tang thường được cho là “việc riêng” rất khó nên cần phải tiến hành thường xuyên, liên tục. Tâm lý nể nang, ngại va chạm vẫn còn trong nhiều người nên việc phát hiện, xử lý vi phạm hiệu quả chưa thực sự cao. Công tác phối kết hợp trong triển khai thực hiện và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, các địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên. Chưa kể, hiện các nghĩa trang trên địa bàn quận chưa quy hoạch xây dựng khu vực để tro cốt sau hỏa táng nên số đám tang hỏa táng còn thấp... Đây là những vấn đề quận Hà Đông cần tập trung giải quyết dứt điểm để phấn đấu trở thành điểm sáng trong tổ chức việc cưới, việc tang, xây dựng nếp sống văn minh của TP Hà Nội.
- Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!