Văn hóa

Bền bỉ đưa quy tắc ứng xử vào đời sống

Nguyễn Thanh 15/09/2023 - 06:27

Thường xuyên tuyên truyền, vận động, lan tỏa sâu rộng các quy tắc ứng xử trong đời sống xã hội tiếp tục là một trong những giải pháp trọng tâm cho phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Điều này đã được đúc rút trong đợt kiểm tra việc triển khai, thực hiện 2 quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội thời gian qua, với những hiệu quả thấy rõ, góp phần làm giàu văn hóa ứng xử từ môi trường công sở đến nơi công cộng.

thach-that.jpg
Giới thiệu mô hình “Sắp xếp tài liệu gọn gàng, sẵn sàng cho chuyển đổi số” tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Thất.

Đa dạng hình thức vận động, tuyên truyền

Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử (Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng), thời gian qua, huyện Hoài Đức đã đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động từ đăng tải tin, bài qua cổng thông tin điện tử, fanpage đến việc thảo luận qua các chương trình hội nghị, tọa đàm, lập nhóm zalo cộng đồng thôn, xã… Qua đó, người dân đã tham gia góp ý, phản ánh thông tin về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, văn hóa ứng xử nơi công cộng; phát động đưa nội dung quy tắc ứng xử vào hương ước, quy ước thôn, làng cũng như nhân cấy các mô hình văn hóa gắn với quy tắc ứng xử.

Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoài Đức Nguyễn Viết Thanh cho biết: “Cùng với việc hướng dẫn bổ sung các tiêu chí để bình xét gia đình, tổ dân phố và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, Hoài Đức chú trọng vận động các thôn, làng đưa những nội dung phù hợp của 2 quy tắc ứng xử vào hương ước, quy ước và nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân". Ngoài ra, từ đầu năm 2023, Hoài Đức đã chọn triển khai điểm 2 mô hình “Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu” tại xã Đức Giang và “Tổ dân phố kiểu mẫu” tại xã Kim Chung, với những tiêu chỉ cụ thể, tiêu biểu hơn so với các mô hình đã có trên địa bàn. Hiện cả hai mô hình nhận được sự hưởng ứng rất tích cực từ cộng đồng và thời gian tới sẽ nhân rộng ra toàn huyện.

Là một trong những nơi hưởng ứng tích cực cuộc thi “Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, đẹp” của thành phố, huyện Thạch Thất nhiều năm qua triển khai cuộc thi này ở cấp xã, thị trấn, coi đây là giải pháp tuyên truyền, khích lệ cơ sở quan tâm, đầu tư cho môi trường sống tốt đẹp hơn. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện đã lắp bổ sung gần 1,5 nghìn bóng đèn điện, trồng mới 3,3 nghìn cây xanh, đặt 3,2 nghìn chậu cây cảnh, bổ sung gần 1,2 nghìn thùng rác; vẽ hơn 1,4 nghìn mét vuông tranh tường, xây dựng 42 đoạn đường nở hoa… Đặc biệt, từ cuộc thi “Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, đẹp”, nhận thức của nhân dân ngày càng được nâng lên, điển hình là ở các xã: Hạ Bằng, Yên Bình, Bình Yên, Hương Ngải… đã huy động xã hội hóa được nhiều tỷ đồng phục vụ cải tạo môi trường sống của người dân.

Sáng tạo trong lan tỏa quy tắc ứng xử

Từ việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử của thành phố cho thấy, hệ thống quy tắc ứng xử lan tỏa ngày càng sâu rộng trong đời sống nhân dân Thủ đô với nhiều mô hình mới, hiệu quả. Có thể kể đến các mô hình: “Tổ dân phố 5 không” tại quận Thanh Xuân; “Sắp xếp tài liệu gọn gàng, sẵn sàng cho chuyển đổi số” tại huyện Thạch Thất; “Ngày không viết và ngày không hẹn” tại huyện Ba Vì; “Nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch” tại huyện Đan Phượng...

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng thông tin, mô hình “Nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch” là một trong 7 mô hình đang tập trung triển khai tại địa phương, với đặc điểm nổi bật là mỗi mô hình đại diện cho một không gian văn hóa từ công sở tới nơi công cộng. Còn theo Bí thư Đảng ủy xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì) Phương Văn Liêu, xã đang thực hiện điểm mô hình “Ngày không viết và ngày không hẹn” của huyện. Theo đó, xã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho công dân đến giao dịch thủ tục hành chính, từ sắp xếp, bài trí không gian tiếp công dân gọn gàng, khoa học đến rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, không để hẹn, để chờ…

Có thể thấy, công tác tuyên truyền, vận động vẫn là hình thức hữu hiệu trong thực hiện hệ thống quy tắc ứng xử với mục tiêu phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng khẳng định, từ nỗ lực triển khai thực hiện quy tắc ứng xử của các cơ quan, đơn vị trong thực tế là căn cứ để đề xuất thêm giải pháp với thành phố trong triển khai thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới. Trong đó, vấn đề cần lưu ý là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng nội dung các quy tắc ứng xử tới quần chúng nhân dân. Đồng thời, chú ý đến vai trò nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức cũng như việc hiểu thấu đáo quy tắc ứng xử để tuyên truyền tới nhân dân một cách hiệu quả. Ngoài ra, cần chú trọng việc kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý vi phạm cũng như động viên, khích lệ cách làm hay, sáng tạo trong việc lan tỏa văn hóa ứng xử vào đời sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bền bỉ đưa quy tắc ứng xử vào đời sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.