Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bền bỉ, chủ động, sáng tạo, hiệu quả

HỒ QUANG LỢI - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội| 29/07/2010 06:07

6.200 bài thi viết tìm hiểu 80 năm truyền thống ngành tuyên giáo


“Đi trước, đi trong, đi sau” mọi nhiệm vụ chính trị


Thủ đô Hà Nội ngày càng phong quang, sạch đẹp chuẩn bị chào đón Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.   Ảnh: Viết Thành


Trong truyền thống 80 năm vẻ vang ngành Tuyên giáo của Đảng, công tác tuyên giáo của Hà Nội chiếm một vị trí quan trọng và rất đáng tự hào. Tôi luyện trong thực tiễn cách mạng đất nước, đội ngũ cán bộ tuyên giáo Hà Nội ngày càng lớn mạnh và trưởng thành, dày dạn trong đấu tranh cách mạng, trong hoạt động vận động quần chúng tạo ra nhiều phong trào cách mạng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp vĩ đại giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố vì Hòa bình”. Ngày 12-5-2009, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ký quyết định tặng thưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Huân chương Hồ Chí Minh. Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội là ban Đảng cấp tỉnh, thành đầu tiên trong cả nước được vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý này.

Hai năm gần đây là quãng thời gian thử thách lớn về bản lĩnh và khả năng vượt khó của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó, với hoàn cảnh của riêng mình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô phải giải quyết một khối lượng công việc to lớn, rất mới mẻ và phức tạp hiếm có. Cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế toàn cầu nghiêm trọng nhất kể từ những năm 30 của thế kỷ trước đã tác động xấu đến kinh tế nước ta. Hà Nội lại gánh chịu thêm hậu quả nặng nề của trận mưa lũ lịch sử cuối năm 2008, mà sự tàn khốc của nó còn in dấu sang cả năm 2009. Quyết định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô từ ngày 1-8-2008 của Quốc hội là quyết định có tầm vóc lịch sử, quyết định vận mệnh Thủ đô và tương lai đất nước. Nhưng cũng chính vị thế mới này, đòi hỏi phải tốn nhiều tâm sức hơn để giải quyết những vấn đề nóng về trật tự, an ninh xã hội mà chỉ cần một bước đi không thích hợp cũng có thể để lại những hệ lụy khó lường. Những nhiệm vụ to lớn và mới mẻ đó đòi hỏi toàn Đảng bộ và nhân dân cũng như đội ngũ tuyên giáo Thủ đô phải phát huy truyền thống, sáng tạo, đoàn kết, nỗ lực vượt qua thử thách để hoàn thành.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, đội ngũ tuyên giáo Thủ đô đã quán triệt sâu sắc phong cách “đi trước, đi trong, đi sau” mọi lĩnh vực đời sống xã hội, chủ động bám sát thực tiễn, nỗ lực và sáng tạo triển khai nhiều hoạt động phong phú, sinh động, từng bước đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ mới.

Không chỉ làm tốt công tác tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng, hoạt động tuyên giáo đã góp phần quan trọng trong tuyên truyền sâu rộng, có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đặc biệt là 9 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 2 khâu đột phá của thành phố. Công tác tư tưởng luôn có mặt và đồng hành trong tham gia giải quyết các vấn đề thường xuyên của đời sống kinh tế - xã hội cũng như giải quyết có hiệu quả các vấn đề trọng tâm trọng điểm, các vấn đề nhạy cảm, bức xúc, các vấn đề mới phát sinh, từ đó tạo hiệu quả cao về chuyển biến nhận thức, thống nhất ý chí và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nâng cao sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Hệ thống tuyên giáo toàn thành phố đã tham mưu cho các cấp ủy triển khai thực hiện nghiêm túc, sâu rộng, có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai hoạt động nghiệp vụ tuyên giáo được duy trì có chất lượng và hiệu quả, trong đó nhiều hoạt động mang đậm sắc thái riêng của Thủ đô, như công tác nắm bắt dư luận xã hội, tổ chức giao ban cung cấp thông tin hằng tuần và lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời định hướng hoạt động của các cơ quan báo chí, đẩy mạnh hoạt động định hướng, đối thoại, nâng cao tính tuyết phục trong giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân tại cơ sở…

Đặc biệt, công tác tuyên giáo đã hướng mạnh hoạt động vào phục vụ hai nhiệm vụ trọng tâm: tiến hành tổ chức đại hội Đảng các cấp và kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong đó, không chỉ góp phần quan trọng vào việc gìn giữ, phát huy các giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống Thăng Long - Hà Nội, mà còn đặc biệt chú trọng xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức cho mỗi người dân, từng bước xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Chính từ thực tiễn sinh động, những kết quả to lớn và toàn diện mà Thành phố đã đạt được, càng toả sáng thêm bài học kinh nghiệm quý đối với cán bộ tuyên giáo: đồng thuận xã hội phải được xây đắp trên cơ sở tôn trọng kỷ cương phép nước, trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và đất nước.

Bám sát thực tiễn, chủ động công tác tư tưởng

Những tháng còn lại của năm 2010 và năm 2011 là khoảng thời gian đất nước ta sẽ diễn ra nhiều sự kiện chính trị, nhiều hoạt động lớn. Trong đó, tiến hành đại hội Đảng các cấp và tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội có tầm quan trọng đặc biệt, đòi hỏi công tác tuyên giáo phải không ngừng nỗ lực thì mới hoàn thành được nhiệm vụ. Nhận thức rõ thời cơ và trách nhiệm của mình, đội ngũ tuyên giáo Thủ đô tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động theo những định hướng chính sau.

Một là, luôn chủ động, tích cực bám sát tình hình thực tiễn cơ sở; phân tích, dự báo chính xác, kịp thời; đề ra định hướng tư tưởng đúng. Giữ vững và phát huy thế chủ động, sáng tạo, tiến công; kết hợp chặt chẽ “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính; tăng tính thuyết phục, sự đồng thuận.

Hai là, tiếp tục triển khai và chỉ đạo các kế hoạch tuyên truyền, tham gia hoạt động của các tiểu ban chuẩn bị để góp phần tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với kết quả cao nhất. Phát huy mạnh mẽ vai trò to lớn của báo chí và hệ thống truyền thông đại chúng trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Ðảng, mở rộng quan hệ đối ngoại và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa.

Ba là, chủ động và tăng cường các hoạt động đối thoại trong khi tiến hành công tác tuyên giáo, từ đó nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, sắc bén, có sức thuyết phục cao của công tác tuyên giáo. Tổ chức tốt hơn hoạt động nắm bắt dư luận xã hội và thông tin định hướng trở lại thông qua các kênh thông tin, trong đó có các ấn phẩm nội bộ, đội ngũ báo cáo viên...

Bốn là, không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động nghiệp vụ tuyên giáo: đổi mới việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Ðảng; đổi mới công tác tuyên truyền, cổ động. Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị tổng kết 4 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tham mưu kịp thời cho thành phố các cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, các vấn đề xã hội, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng hoạt động của các lĩnh vực này. Tham mưu đắc lực, có chất lượng, hiệu quả cho cấp ủy trong việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn nghệ và triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Năm là, quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ tuyên giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực chuyên môn khá, giỏi, đạo đức, tác phong gương mẫu; trong đó đặc biệt chú trọng tới đội ngũ giảng viên lý luận, các tuyên truyền viên, báo cáo viên, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, báo chí, xuất bản… Tăng cường đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới.

Thủ đô Hà Nội và đất nước đang trong thời điểm hết sức đặc biệt. Những nhiệm vụ lớn phía trước vừa là thử thách, song cũng là “thời cơ vàng” để công tác tuyên giáo có dịp khẳng định mình. Với truyền thống bền bỉ, chủ động, sáng tạo, hiệu quả, nhất định đội ngũ tuyên giáo Thủ đô sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu mới.

6.200 bài thi viết tìm hiểu 80 năm truyền thống ngành tuyên giáo

(HNM) - Tối 28-7, Ban Tuyên giáo TƯ đã tổ chức chương trình "Sáng mãi một con đường" - Tổng kết, trao giải cuộc thi viết tìm hiểu 80 năm truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.

Được phát động vào ngày 4-8-2009, với 2 hình thức thi viết và trắc nghiệm, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo các tầng lớp nhân dân, thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp trên mọi miền đất nước, đặc biệt là đội ngũ cán bộ đã và đang công tác trong hệ thống ngành Tuyên giáo cả nước. Riêng cuộc thi viết, Ban tổ chức đã nhận được 6.200 bài dự thi, trong đó người cao tuổi nhất tham gia là cụ Trần Văn Trừng (Nam Định) 92 tuổi.

Sau 2 vòng chấm, từ 6.200 bài viết gửi về, Ban tổ chức cuộc thi đã trao một giải A cho tác giả Vũ Khả(ở phường Minh Tân, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) với bài viết Một kỷ niệm sâu sắc trong nghề làm Tuyên giáo. Đồng thời trao 5 giải B, 10 giải C và các giải khuyến khích dành cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu tham gia cuộc thi.

An Trân


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bền bỉ, chủ động, sáng tạo, hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.