(HNM) - Mong muốn của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm tạo
Các nhà lãnh đạo Nga, Kazakhstan và Belarus tại thủ đô Astana (Kazakhstan). |
Theo hiệp định được ký kết, EAEC sẽ chính thức hoạt động từ ngày 1-1-2015. Các thành viên EAEC sẽ thực hiện chính sách phối hợp trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế là ngành năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp và giao thông vận tải. Nói một cách cụ thể, 3 quốc gia thành viên có nghĩa vụ bảo đảm tự do di chuyển hàng hóa, dịch vụ vốn và lực lượng lao động. Công dân của các nước thuộc EAEC sẽ có thể làm việc tại bất cứ quốc gia thành viên nào mà không phải khai báo hành chính. Các doanh nghiệp sẽ được tiếp cận với thị trường dịch vụ chung. Trong liên minh, tất cả những quyết định quan trọng sẽ được cùng nhau thông qua trong sự hợp tác chặt chẽ với chính sách kinh tế của các quốc gia thành viên. Điểm đáng chú ý là nội dung của hiệp định nhấn mạnh quyền bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia của mỗi thành viên.
Trên thực tế, để các thành viên nhất trí ký vào hiệp định, cả Nga, Kazakhstan và Belarus đều phải vượt qua không ít bất đồng ngay từ khi ý tưởng tái hình thành không gian kinh tế thống nhất trong thời điểm khai sinh liên minh thuế quan (giữa 3 nước) vào năm 2000. Trong một thời gian dài, 3 nước từng phát sinh những va chạm về lợi ích thương mại, thậm chí có lúc đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế thông thường. Cuộc tìm kiếm tiếng nói chung để hài lòng các bên có lúc đã rất khó khăn, nhưng cuối cùng các nhà lãnh đạo "bộ tam" cũng đã thông qua cơ sở pháp lý cho việc hình thành một thể chế rộng lớn với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tương đương 1/8 của Liên minh Châu Âu (EU).
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kéo dài, quyết định liên kết hoạt động chung trong khuôn khổ một hiệp hội lớn nhiều khả năng sẽ mang lại cho Nga, Belarus, Kazakhstan những lợi ích to lớn. Nhất là khi EAEC tạo ra một thị trường thống nhất trong khu vực, nơi tập hợp hơn 170 triệu dân. Bên cạnh đó, đây là khu vực sở hữu trữ lượng rất lớn tài nguyên thiên nhiên gồm cả dự trữ năng lượng, với tỷ lệ chiếm gần 20% trữ lượng khí đốt và gần 15% trữ lượng dầu của toàn thế giới. Nhìn chung, Nga, Belarus, Kazakhstan có ngành công nghiệp phát triển, tiềm năng mạnh mẽ về văn hóa và con người. Vị trí địa lý cho phép liên minh thành lập những tuyến đường vận tải không chỉ mang tính khu vực mà còn mang ý nghĩa toàn cầu, thu hút dòng chảy thương mại quy mô trên cả hai lục địa Á - Âu.
Ngoài ra, EAEC sẽ là một cấu trúc mở và bất cứ quốc gia nào, không chỉ những nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) hay liên minh hải quan (cũng với 3 nước trên, thành lập năm 2007) đều có thể tham gia. Do đó, thành viên tiềm năng trong thời gian tới sẽ là Armenia và Kyrgyzstan. Tuy nhiên, hy vọng đưa Ukraine trở thành "người một nhà" của EAEC như ý tưởng ban đầu của Nga sẽ khó có thể trở thành sự thật. Sau cuộc đảo chính đường phố lật đổ Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovich, chính phủ tạm quyền của Ukraine hiện nay không che giấu chủ trương xích lại với phương Tây. Tổng thống Ukraine mới đắc cử Petro Poroshenko còn tuyên bố ý định ký kết thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt với EU ngay sau khi nhậm chức vào tháng 6. Nếu bắt tay với Nga, Ukraine cùng với 46 triệu dân và nền tảng công nghiệp vững chắc sẽ là bước mở rộng đáng kể đối với EAEC. Việc Ukraine liên kết kinh tế với EU dự báo một "cơn lũ" hàng hóa có thể từ phía tây tràn vào EAEC thông qua Nga và gây tác động không nhỏ đối với khu vực thị trường mới thành lập này.
Vì thế, không thể phủ nhận, sự ra đời của EAEC sẽ giúp các nước thành viên củng cố nền kinh tế, bảo đảm sự phát triển hài hòa và xích lại gần nhau; đồng thời sẽ giúp hình thành một cơ cấu kinh tế đủ mạnh để đối trọng với EU, từ đây làm bệ phóng cho một nước Nga hùng mạnh trên trường quốc tế. Thế nhưng, để xây dựng và thúc đẩy EAEC thành một "đế chế" kinh tế phát triển hùng mạnh như kỳ vọng, chắc chắn các nhà lãnh đạo liên minh kinh tế non trẻ này sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.