Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bế mạc phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Hồ Bách - Đình Hoàng - Ngọc Oanh| 16/08/2014 05:55

(HNM) - Ngày 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc phiên họp thứ 30. Trước đó, UBTVQH cho ý kiến dự án Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi.


Các thành viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, dự án luật còn có một số quy định chưa bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Điển hình như: Thẩm quyền của Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc quy định gửi báo cáo tài chính chưa thống nhất với Luật Kế toán và Luật Ngân sách Nhà nước; quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán chưa bao quát, thống nhất với Luật Khiếu nại... Do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu sửa lại các quy định từ Điều 11 đến Điều 13 để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Sáng cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Đa số đại biểu tán thành với nhiều nội dung được chỉnh lý. Thông tin đáng lưu ý tại dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) là: Đại biểu Quốc hội được hỗ trợ kinh phí để thực hiện chế độ thuê khoán chuyên gia, thư ký giúp việc và các hoạt động khác để phục vụ cho hoạt động của đại biểu. Bên cạnh nhiệm vụ thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội được bổ sung thẩm quyền thẩm tra dự án luật, pháp lệnh về lĩnh vực đất đai... Liên quan đến quy định về đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị cần quy định rõ hơn vai trò của đại biểu Quốc hội, cơ chế hoạt động và quyền hạn của đại biểu, đồng thời tăng số đại biểu Quốc hội chuyên trách từ 35% lên 40%. Theo đó, đề nghị phân định rõ tính chất hoạt động của đại biểu Quốc hội là hoạt động chuyên trách và không chuyên trách cùng các quyền, nghĩa vụ tương ứng để có cơ sở nâng cao hơn nữa chất lượng đại biểu Quốc hội.

*Ngày 15-8, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri chuyên đề "Về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về nhà ở cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn Thủ đô" tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh) và Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Các cử tri phản ánh tình trạng thiếu nhà trẻ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và kiến nghị cơ quan chức năng có trách nhiệm thực hiện đầy đủ quy hoạch khi làm khu công nghiệp. Ngoài ra, theo cử tri huyện Đông Anh, hiện nay nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp không sử dụng hết công suất do thủ tục đăng ký thuê trọ còn phức tạp. Các công trình phụ trợ, hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong các dự án nhà ở xã hội còn hạn chế nên công nhân ra ngoài thuê nhà ở. Còn theo cử tri huyện Chương Mỹ, ở khu lưu trú của công nhân không được cho người nhà đến ở cùng. Các cơ chế, điều kiện để công nhân được mua nhà ở các khu công nghiệp, ổn định cuộc sống lâu dài cũng chưa có. Đây là rào cản khiến nhà ở cho công nhân, dự án xây dựng khu lưu trú cho công nhân đã hoàn thành mà vẫn còn nhiều chỗ trống như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bế mạc phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.