Sáng 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 26, sau khi cho ý kiến vào dự án Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án.
Điều 48 của Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định thẩm quyền của Tòa án nhân dân được xử phạt hành chính. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm hành chính cản trở hoạt động tố tụng của tòa án mà Tòa án nhân dân được xử phạt lại chưa được quy định cụ thể. Vì vậy Quốc hội giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân.
Tuy nhiên, Dự thảo Pháp lệnh do Tòa án Nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này chưa được soạn thảo kỹ lưỡng, đầy đủ về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, một số nội dung chưa bảo đảm tính hợp hiến, cũng như không phù hợp, trái các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tố tụng hành chính, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật phá sản, Luật thi hành án dân sự, Luật báo chí, Luật khiếu nại.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như chỉnh sửa bổ sung các nội dung cho phù hợp với các luật hiện hành và Hiến pháp 2013.
Phát biểu bế mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trong phiên họp thứ 26 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của 3 dự án Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vừa qua và góp ý vào 5 dự án luật cho ý kiến lần đầu trước khì trình tại kỳ họp thứ 7.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan thẩm tra, tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh dự án luật trước khi trình Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 7, xem xét.
Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.