(HNM) - Chiều 13-7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì bế mạc phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết kỳ họp thứ năm và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, kỳ họp thứ sáu dự kiến khai mạc ngày 22-10, bế mạc ngày 19-11-2018. Quốc hội dành 10 ngày làm việc cho công tác lập pháp, xem xét, thông qua 11 dự án luật và cho ý kiến 6 dự án luật khác. Trong đó, có những dự án luật được nhân dân đặc biệt quan tâm như Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Giáo dục (sửa đổi). Đối với các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác được dành 9,5 ngày. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội dành một ngày làm việc để lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, trưởng ngành và các thành viên Chính phủ sẽ được chất vấn về việc thực hiện lời hứa đưa ra tại những phiên chất vấn từ đầu nhiệm kỳ. Thời điểm chất vấn được đề nghị tổ chức vào khoảng 1/3 thời gian cuối của kỳ họp.
* Trước đó, sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2021 và bổ sung địa bàn kiêm nhiệm; thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Vấn đề được cho ý kiến nhiều nhất trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.
Tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, cơ quan soạn thảo đã xem xét nhiều phương án. Đó là, thông qua tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, xử phạt vi phạm hành chính, hành chính - tư pháp, xử lý kinh tế - thu thuế thu nhập cá nhân và cuối cùng là thực hiện như luật hiện hành. Cơ quan soạn thảo đề xuất phương án thu thuế 45% vì có nhiều yếu tố hợp lý, dễ triển khai và được Chính phủ đồng ý.
“Kể cả thu thuế rồi, cũng không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai, nếu như cơ quan chức năng chứng minh được tài sản, thu nhập đó là do phạm tội mà có” - Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết thêm.
Tuy nhiên, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Trần Công Phàn cho rằng, quan điểm này không có cơ sở vì thuế là áp dụng với thu nhập hợp pháp.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhận định, đánh thuế 45% đối với tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc chưa có sức nặng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau phiên họp thứ 25, cơ quan chức năng tiếp tục tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và mời các cơ quan trong Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng và các đơn vị liên quan tiếp tục tham gia góp ý kiến, hoàn thiện dự thảo luật theo hướng thuyết phục cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.