(HNM) - Chiều 27-11, sau hơn một tháng làm việc, kỳ họp thứ mười, Quốc hội (QH) khóa XIII đã họp phiên bế mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng.
Dự bế mạc kỳ họp có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại biểu QH qua các thời kỳ.
Quang cảnh phiên bế mạc. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, kỳ họp thứ mười đã hoàn thành tốt đẹp toàn bộ chương trình làm việc với những nội dung quan trọng và khối lượng công việc lớn trên tất cả các mặt công tác. Trong lĩnh vực xây dựng pháp luật QH đã dành thời gian thảo luận, thông qua 16 luật, một số nghị quyết, cho ý kiến về 10 dự án luật khác góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Điểm nhấn quan trọng khác là QH đã thông qua Nghị quyết thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia, quyết định ngày bầu cử; tiến hành chất vấn trực tiếp những người đứng đầu bộ máy các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay.
Để phát huy kết quả kỳ họp, Chủ tịch QH đề nghị Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, MTTQ Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ quyền hạn của mình tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp, các luật, nghị quyết mới được thông qua; chuẩn bị các điều kiện cần thiết tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, bảo đảm sự kiện chính trị trọng đại này thực sự là ngày hội lớn của toàn dân.
Trước đó, với tỷ lệ tán thành cao, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng; Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của QH khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn.
Sáng cùng ngày, QH đã thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Nghị quyết về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện KSND Tối cao, của TAND Tối cao và công tác thi hành án năm 2016.
Bộ luật Tố tụng hình sự gồm 37 chương, 510 điều. Đáng chú ý, tại Khoản 6, Điều 183 về hỏi cung bị can, Bộ luật quy định: Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (các Điều 223, 224), Bộ luật quy định, sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt sau: Ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt này được áp dụng với các trường hợp: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; các tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Bộ luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2016.
Bộ luật Hình sự được thông qua gồm 3 phần trong đó có 26 chương, 426 điều quy định về tội phạm và hình phạt, có hiệu lực từ ngày 1-7-2016. Bộ luật Hình sự quy định bỏ án tử hình với 7 tội danh gồm: Cướp tài sản; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tàng trữ trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch. Bộ luật cũng quy định sẽ không thi hành án tử hình với người bị kết án tử hình thuộc 3 nhóm: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người từ 75 tuổi trở lên; người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Cũng trong sáng 27-11, QH đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tiếp cận thông tin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.