Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bế mạc kỳ họp thứ bảy, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI

Vũ Thủy - Hiền Chi - Ảnh: Viết Thành| 08/07/2022 08:42

(HNMO) - Sáng 8-7, ngày làm việc thứ tư, kỳ họp thứ bảy, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI tiếp tục thảo luận, xem xét một số nghị quyết chuyên đề và tiến hành bế mạc kỳ họp.

Quang cảnh kỳ họp.

Dự kỳ họp có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND thành phố Lê Hồng Sơn; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Thường trực HĐND, UBND thành phố; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã của thành phố.

Trong ngày làm việc thứ tư, HĐND thành phố xem xét, thông qua nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố Hà Nội; Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030; danh mục cơ sở nhà đất di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 1); Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng tại nội thành thành phố Hà Nội; Chương trình giám sát năm 2023 của HĐND thành phố.

Rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung quy định về tài sản công

Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố thống nhất nội dung báo cáo kết quả giám sát của HĐND thành phố về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố.

HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố chấp hành thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của Đoàn giám sát HĐND thành phố tại Báo cáo số 18/BC-HĐND ngày 29-6-2022. Trong đó, rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định về tài sản công bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, khắc phục tình trạng thiếu sót hoặc chồng chéo trong phân công, xác định trách nhiệm, kém hiệu quả trong phối hợp giữa các cơ quan quản lý.

Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất đối với các cơ sở nhà, đất đang được giao quản lý, sử dụng, khẩn trương hoàn thành rà soát, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021 NĐ-CP của Chính phủ, bảo đảm sử dụng nhà, đất đúng tiêu chuẩn, định mức, tiết kiệm, hiệu quả.

Kiên quyết thu hồi để xử lý theo quy định các diện tích nhà, đất không sử dụng, sử dụng không đúng quy định, phân loại, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm thực hiện nghĩa vụ tài chính kéo dài. Khẩn trương rà soát, có phương án sử dụng các điểm nhà đất chưa sử dụng để phát huy nguồn lực từ các tài sản này, tránh lãng phí.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy của cơ quan quản lý tài sản công tại các cấp, bảo đảm năng lực để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các văn bản quy định chi tiết thi hành luật.

Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công là nhà, đất. Trước mắt, tập trung cập nhật đầy đủ, chính xác hồ sơ, tài liệu về nhà, đất vào Cơ sở dữ liệu về tài sản công của thành phố, đồng thời xây dựng phần mềm để khai thác hiệu quả dữ liệu này phục vụ công tác quản lý của thành phố.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, chuyên đề và đột xuất việc chấp hành quy định về quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của thành phố để kịp thời phát hiện, uốn nắn, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm, phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách để điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi kịp thời. Phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong quản lý, sử dụng tài sản công, nhất là vai trò giám sát của nhân dân với tư cách là chủ sở hữu tài sản công.

HĐND thành phố cũng đề nghị UBND thành phố tăng cường sự phối hợp hiệu quả trong quản lý tài sản công giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã. Chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện mô hình hoạt động và xem xét phương thức giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đối với Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà bảo đảm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động theo đúng Luật Doanh nghiệp và cơ chế thị trường; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về cơ chế, chính sách, quy định về quản lý, sử dụng tài sản công.

Hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng/năm cho giám định viên tư pháp

Tại kỳ họp, 100% đại biểu HĐND thành phố có mặt đã tán thành thông qua Nghị quyết về chế độ hỗ trợ cho giám định viên tư pháp và người giúp việc cho giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, kỹ thuật hình sự hưởng lương ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, mức hỗ trợ giám định viên tư pháp bằng 2 lần mức lương cơ sở/người/tháng;  mức hỗ trợ cho người giúp việc cho giám định viên tư pháp bằng 70% mức hỗ trợ cho giám định viên tư pháp/người/tháng. 

Với mức hỗ trợ này, dự kiến kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách thành phố là hơn 4 tỷ đồng/năm. Thời gian thực hiện từ ngày 1-8-2022.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố, số giám định viên tư pháp là 52 người (tăng 62,5% so với năm 2016). Trong đó, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an thành phố có 45 giám định viên tư pháp; Trung tâm Pháp y có 7 giám định viên tư pháp; số người giúp việc cho giám định viên tư pháp là 101 người (tăng 29,5% so với năm 2016). Trong đó, giúp việc cho giám định viên tư pháp Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an thành phố là 58 người; giúp việc cho giám định viên tư pháp Trung tâm Pháp y là 43 người.

Sẽ giám sát 2 chuyên đề lớn

HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Chương trình giám sát của HĐND thành phố Hà Nội năm 2023.

Theo đó, đối với giám sát tại các kỳ họp, HĐND thành phố thực hiện xem xét báo cáo của UBND thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng dự toán thu - chi ngân sách nhà nước 6 tháng và cả năm 2023 của thành phố; các báo cáo công tác của Thường trực HĐND thành phố, UBND, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và các báo cáo khác theo quy định của Luật.

HĐND thành phố cũng thực hiện chất vấn Chủ tịch UBND thành phố, thành viên khác của UBND thành phố, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố, thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND thành phố và cá nhân liên quan đến vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.

HĐND thành phố thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND thành phố bầu theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đáng chú ý, HĐND thành phố sẽ thực hiện 2 đợt giám sát chuyên đề: Việc thực hiện công tác cải cách hành chính gắn với việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số của thành phố Hà Nội; việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và các công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 của thành phố Hà Nội.

HĐND thành phố cũng thống nhất, hoạt động giám sát của Thường trực HĐND, các ban HĐND, tổ đại biểu và đại biểu HĐND thành phố được thực hiện theo quy định của pháp luật. Cụ thể là: Trên cơ sở lĩnh vực, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định theo pháp luật; kiến nghị, phản ánh và những vấn đề cử tri quan tâm; thực tiễn phát sinh trong việc thực hiện các quy định của pháp luật; các cơ chế, chính sách của thành phố; căn cứ vào chương trình công tác năm 2023 của HĐND thành phố và theo chỉ đạo, phân công, điều hòa của Thường trực HĐND, các ban HĐND, các tổ đại biểu và các vị đại biểu HĐND thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện.

Khẩn trương, nghiêm túc thực hiện những lời hứa, cam kết với cử tri

Sau khi hoàn thành các nội dung theo chương trình đề ra, kỳ họp thứ bảy, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã bế mạc.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu bế mạc kỳ họp.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, sau 3 ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ bảy - kỳ họp thường lệ giữa năm 2022 của HĐND thành phố đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ các chương trình đề ra. Không khí kỳ họp diễn ra sôi nổi, nghiêm túc, thẳng thắn. Các vị đại biểu HĐND thành phố đã phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trí tuệ, góp phần vào thành công của kỳ họp.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, HĐND thành phố đã thông qua 16 báo cáo và 15 nghị quyết (trong đó có 1 nghị quyết thường kỳ và 14 nghị quyết chuyên đề quan trọng). Đây là những cơ chế, chính sách, là cơ sở pháp lý để kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của thành phố.

Cùng với đó, phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc, thực chất, trách nhiệm và hiệu quả. Người hỏi ngắn, gọn, rõ vấn đề, người trả lời đi thẳng vào đúng vấn đề được chất vấn, tái chất vấn. Trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn có sự trao đổi, tranh luận để làm rõ những vấn đề liên quan.

“Sau kỳ họp này, đề nghị UBND thành phố, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan khẩn trương, nghiêm túc thực hiện những lời hứa, cam kết trước HĐND thành phố và cử tri. Đây cũng là sự thể hiện, minh chứng ý nghĩa nhất năng lực, uy tín và sự tín nhiệm của các đồng chí. HĐND thành phố tiếp tục cùng theo dõi, giám sát đến cùng để các vấn đề giám sát, chất vấn, giải trình sớm được giải quyết, tạo chuyển biến, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân Thủ đô”, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bế mạc kỳ họp thứ bảy, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.