Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) diễn tại St. Petersburg, Liên bang Nga, đã bế mạc và thông qua tuyên bố chung.
Các nhà lãnh đạo G-20 đã thông qua Tuyên bố chung gồm 32 trang với 20 chương bao hàm toàn bộ các vấn đề được thảo luận tại G-20 và Kế hoạch hành động St. Petersburg.
Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G20 cho rằng tình hình kinh tế toàn cầu đã cải thiện song còn quá sớm để nói cuộc khủng hoảng đã kết thúc, đồng thời khuyến cáo việc thay đổi chính sách tiền tệ cần được thực hiện một cách thận trọng và có sự phối hợp rõ ràng. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo về rủi ro của việc Mỹ dần từ bỏ chính sách nới lỏng định lượng, vốn giúp kích thích nền kinh tế nước này.
Kế hoạch hành động St. Petersburg đề cập tới việc đảm bảo tăng trưởng ổn định cũng như công ăn việc làm, kế hoạch đầu tư dài hạn, báo cáo về việc thực thi cải cách quy định tài chính, và thu thuế. Các nhà lãnh đạo G20 cũng nhất trí đến năm 2016 từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.
Theo Tổng thống Putin, kinh tế thế giới cần một cuộc cải cách cơ cấu toàn diện với trọng tâm là đảm bảo tăng trưởng và phát triển dài hạn và đây chính là lôgíc của Kế hoạch hành động St. Petersburg vì tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Ông Putin cho biết cơ sở của kế hoạch là chiến lược ngân sách cũng như cam kết của các nước thực thi cải cách cơ cấu.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng Kế hoạch hành động St. Petersburg đã không quan tâm tới các doanh nghiệp nhỏ, khu vực tạo ra tới 90% việc làm tại các nước đang phát triển. Ngoài ra các nhà lãnh đạo G20 cũng đã thống nhất phát triển một kế hoạch của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) để chống lại tình trạng gian lận thuế.
Cũng tại hội nghị thượng đỉnh lần này, nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil) đã thống nhất thành lập một quỹ dự trữ ngoại hối trị giá 100 tỷ USD để giúp chống lại cuộc khủng hoảng cán cân thanh khoản, song chưa thông qua cơ cấu hoạt động của quỹ này.
Về vấn đề Syria, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn phớt lờ sức ép từ những người đồng cấp khác yêu cầu từ bỏ chiến dịch không kích Syria, dẫn tới sự chia rẽ lớn trong hội nghị, và làm lu mờ những nỗ lực nhằm khôi phục kinh tế toàn cầu.
Washington vẫn một mực cho rằng binh sỹ trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã tiến hành một vụ tấn công bằng khí độc khiến hơn 1.400 người thiệt mạng tại ngoại ô Damascus ngày 21/8 vừa qua. Ông Obama nói với các nhà lãnh đạo G-20 rằng điều quan trọng là duy trì các chuẩn mực quốc tế chống vũ khí hóa học đồng thời mô tả Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bị "tê liệt."
Trước đó, lãnh đạo G-20 cũng đã thông qua Chiến lược Phát triển St. Petersburg, trong đó đặt ra mục đích tăng trưởng kinh tế, ưu tiên phát triển cho các nước thành viên trong thời gian trung hạn và đấu tranh chống đói nghèo./
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.