10 năm qua, tăng trưởng kinh tế đạt trung bình gần 11% * Kiến nghị Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về Thủ đô * Tính toán thấu đáo, thuyết phục để hạn chế phương tiện cá nhân
Hội nghị đã xem xét kết quả kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm; thảo luận và thông qua 4 chương trình công tác lớn và Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII) "về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001-2010".
10 năm, Hà Nội đạt tiến bộ toàn diện trong đời sống xã hội
Trong phiên bế mạc, dưới sự điều hành của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái,hội nghị đã thảo luận về Báo cáo 10 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị. Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII) được ban hành ngày 15-12-2000 có ý nghĩa quan trọng, thiết thực đối với Thủ đô Hà Nội trong định hướng phát triển giai đoạn 2001-2010, tạo động lực mới, động viên, cổ vũ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, xây dựng, phát triển Hà Nội thực sự là "trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế".
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị. Ảnh: Bá Hoạt
Dự thảo báo cáo tổng kết đã nhận được sự nhất trí cao của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Trong đó, kết quả được làm rõ trên 6 lĩnh vực. Về kinh tế, trong 10 năm qua, kinh tế Thủ đô phát triển nhanh và tương đối ổn định. Nổi bật là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của TP tăng bình quân 10,85%/năm, cao gấp 1,5 lần tốc độ tăng GDP của cả nước. Cơ cấu kinh tế theo ngành chuyển dịch tích cực, hiệu quả. Về xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý đô thị, Hà Nội có trong tay những quy hoạch phát triển mang tính cơ sở, chiến lược về kinh tế-xã hội, xây dựng đô thị. Về phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, trong 10 năm qua, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Thủ đô ngày càng được cải thiện. Về an ninh - quốc phòng, Thủ đô Hà Nội đã giữ vững an ninh chính trị, ổn định trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Lĩnh vực mở rộng hoạt động đối ngoại, hợp tác phát triển, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế cũng được Hà Nội thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, Thủ đô Hà Nội đã tập trung nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy; tạo chuyển biến đáng kể về hiệu quả công việc của các cấp chính quyền…
Cơ chế đặc thù là đòi hỏi tất yếu
Thảo luận về dự thảo báo cáo tổng kết, các đại biểu đã thống nhất nhận định rằng, tính hiệu quả, sự cần thiết của Nghị quyết 15 đối với Thủ đô Hà Nội đã được khẳng định. Trong giai đoạn phát triển 10 năm tới (2011-2020), Hà Nội rất cần một nghị quyết mới của Bộ Chính trị làm cơ sở và động lực để phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn. Đáng chú ý, nhiều ý kiến đề nghị song song với nghị quyết mới, cần có Luật Thủ đô được ban hành để luật hóa những tư tưởng lớn. Một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 15 và pháp lệnh Thủ đô, sự phối hợp giữa các bộ, ngành TƯ với TP Hà Nội còn nhiều hạn chế. Các đại biểu kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành TƯ cần tập trung hỗ trợ nhiều hơn cho Hà Nội, đặc biệt là việc xây dựng các công trình trọng điểm mang tính quốc gia. Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã chia sẻ về một số nội dung đang được dư luận quan tâm. Về lý do cần cơ chế đặc thù, mong muốn có Luật Thủ đô, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, Hà Nội không đòi hỏi quyền lợi riêng cho công dân có hộ khẩu, cũng như không làm hàng rào để người nơi khác không vào được. Cần phải hiểu rằng, Thủ đô cần có biện pháp để bảo đảm người dân nhập cư phải được chăm lo đầy đủ về việc làm, chỗ ở, đi lại, học tập, sinh hoạt… Về hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, Bí thư Thành ủy cho rằng, vấn đề là bảo đảm số lượng hợp lý giữa phương tiện cá nhân và công cộng, chứ không phải cấm tràn lan. Các cơ quan chức năng phải nghiên cứu thấu đáo, vì lợi ích chung của xã hội chứ không phải đánh vào quyền lợi mua sắm của người dân. Các căn cứ, lập luận để thực hiện chủ trương này phải rất chính đáng và hết sức thuyết phục, chứ nhất quyết không phải "không quản được thì cấm". Về cải cách hành chính, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh yếu tố con người là cơ bản. Trong đó tăng cường chế tài xử lý vi phạm, đổi mới cơ chế lương, thưởng là mấu chốt để thúc đẩy tinh thần trách nhiệm công vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.