Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bể bơi vào mùa

Minh Quang| 09/05/2017 06:21

(HNM) - Vấn đề đặt ra là, chủ bể bơi có thực hiện đúng cam kết và tăng cường công tác quản lý, giám sát để phục vụ tốt người dân?


Bể bơi Olympia Tăng Bạt Hổ luôn thu hút rất đông trẻ em trong dịp hè. Ảnh: Khánh Huy


Bảo đảm an toàn cho người đi bơi

10h00 ngày 6-5, bể bơi Bốn mùa Từ Liêm (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) còn vài khách bơi. Trên bờ, 4 nhân viên cứu hộ vẫn lặng lẽ làm nhiệm vụ. Trong một căn phòng, thông qua màn hình nhỏ, một nhân viên khác theo dõi hình ảnh truyền về từ 4 chiếc camera được gắn xung quanh bể bơi. Ông Phạm Anh Tuấn, quản lý bể bơi cho biết: "Dù đã vào cuối ca sáng và bể chỉ còn ít khách nhưng số nhân viên cứu hộ vẫn phải làm nhiệm vụ, bảo đảm đúng quy định. Họ được trả tiền để làm công việc này, chứ không phải để đối phó với việc bị kiểm tra đột xuất. Bể bơi do doanh nghiệp điều hành nên không có chuyện vừa làm, vừa chơi”.

Mới đi vào hoạt động được hơn hai năm, nhưng bể bơi Bốn mùa Từ Liêm đã có tiếng là an toàn, chất lượng và giá vé hợp lý. “Dù giá vé phù hợp với số đông người dân, song chất lượng nước, đội ngũ cứu hộ, hệ thống phòng phụ trợ như phòng khởi động, phòng tắm… vẫn được bảo đảm" - ông Phạm Anh Tuấn cho biết thêm.

Tại bể bơi của Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Thanh Xuân, ngay từ đầu tháng 5 đã có khá đông khách đến tập bơi. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Thanh Xuân Lê Hải Anh, hai việc quan trọng nhất cần được thực hiện là bảo đảm chất lượng nước và chú trọng công tác cứu hộ. Từ cuối tháng 4-2017, trung tâm đã cho nhân viên theo học lớp cứu hộ do Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội tổ chức. Nhờ vậy, vào lúc cao điểm, trung tâm có thể huy động cùng lúc hơn 10 nhân viên cứu hộ. Còn về chất lượng nước, Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân thường xuyên kiểm nghiệm và luôn nằm trong tiêu chuẩn cho phép.

Đó là câu chuyện mà người viết ghi nhận được ở hai bể bơi, một do tư nhân và một do Nhà nước quản lý. Như người quản lý ở bể bơi Bốn mùa Từ Liêm cho biết, việc khai thác bể bơi phải hướng tới lợi nhuận, nhưng không thể chỉ vì lợi nhuận mà hạ thấp tiêu chuẩn bảo đảm an toàn đối với người bơi. Chỉ có suy nghĩ và hành động theo hướng đó thì mới giữ được khách và có thêm khách mới. Khi làm đúng, làm đủ theo yêu cầu thì không ngại bị thanh tra, kiểm tra.

Trong khi đó, Trưởng phòng Quản lý thể thao, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Đinh Văn Luyến cho biết: “Từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra không có bể bơi nào vi phạm các quy định về chất lượng nước, điều kiện cứu hộ… Hầu hết các bể bơi đều chú trọng đến vấn đề này và sự lựa chọn các địa điểm bơi của người dân cũng khắt khe hơn so với những năm trước”. Đại diện Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng thông tin rằng, sẽ tăng cường kiểm tra chất lượng nước, điều kiện vệ sinh tại các bể bơi trong thời gian tới, nhất là thời điểm từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 8 - thời gian cao điểm của mùa bơi.

Số lượng tăng nhưng vẫn còn "vùng trắng"

Theo thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã có thêm khoảng 10 bể bơi được cấp phép hoạt động và số bể bơi này chủ yếu nằm ở các khu chung cư. Như vậy, hiện tại, toàn thành phố có gần 200 bể bơi kiên cố, khu vui chơi dưới nước đủ điều kiện hoạt động. Ngoài ra, thực hiện chủ trương "xóa mù" bơi cho học sinh, nhiều trường học trong thành phố đã lên kế hoạch phối hợp với doanh nghiệp lắp đặt bể bơi thông minh. Ở quận Thanh Xuân, cả 21 trường tiểu học tiếp tục lắp loại bể này sau khi có được thành công trong việc "xóa mù" bơi vào năm 2016. Tại quận Tây Hồ, nếu như năm 2016 chỉ có 2 trường tiểu học lắp bể bơi thông minh, thì đến năm 2017 đã có ít nhất 8 trường tiểu học và 2 trường trung học cơ sở lên kế hoạch lắp đặt loại bể này. Trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, hiện đã có 5-6 trường đăng ký lắp đặt… Tất nhiên, để được công nhận biết bơi, học sinh tập luyện ở các bể bơi thông minh vẫn phải trải qua kỳ kiểm tra của Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao các quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, để tạo điều kiện phát triển cho các bể bơi loại này, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã xây dựng, ban hành văn bản quy định tạm thời về điều kiện hoạt động của bể bơi thông minh.

Tuy nhiên, về vấn đề xây dựng bể bơi nhằm phục vụ trẻ em tập luyện, những số liệu đáng ghi nhận nói trên không cho phép nhà quản lý giáo dục và thể thao an tâm. Thực tế cho thấy, bản đồ bể bơi trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn những "vùng trắng". Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, vào mùa hè năm 2017, có 36 trường trong thành phố lắp đặt bể bơi thông minh. Số trường này chủ yếu nằm ở các quận nội thành; các trường ở ngoại thành ít lắp đặt hơn do gặp khó khăn về kinh phí. Ngoài ra, nhiều trường ở khu vực nội thành, nhất là quận Hoàn Kiếm, dù có điều kiện về kinh phí, song do quỹ đất hạn chế nên khó khăn trong việc lắp đặt bể bơi thông minh. Điều đáng nói là, vẫn có địa phương dường như đứng ngoài cuộc, rõ nhất là huyện Thường Tín, chỉ có một bể bơi tư nhân xây dựng từ nhiều năm nay; một bể bơi mới xây dựng ở một khu công nghiệp, nhưng chưa đủ điều kiện hoạt động. Chính vì vậy, trong năm nay, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Thường Tín không dám đăng ký lớp phổ cập bơi nào với Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội.

Có nhiều điều để hào hứng khi đề cập tới việc phát triển hệ thống bể bơi ở Hà Nội. Song, sự phát triển hệ thống bể bơi không đồng đều giữa các địa phương là vấn đề mà nhà quản lý phải tính tới, nhanh chóng tìm biện pháp khắc phục, hướng tới việc hoàn thành mục tiêu "xóa mù" bơi cho thanh, thiếu niên ở Hà Nội trong thời gian sớm nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bể bơi vào mùa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.