Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bê bối vắc xin giả tại Trung Quốc: Niềm tin bị lung lay

Quỳnh Dương| 27/07/2018 06:56

(HNM) - Hết bê bối sữa nhiễm độc melamine đến thực phẩm bẩn, những ngày qua dư luận Trung Quốc lại rúng động vì vắc xin giả, khiến người dân đặt ra nhiều nghi vấn về chất lượng và sự an toàn của các sản phẩm nội địa.


Sự việc bùng lên sau khi Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc thông báo, Công ty Nghiên cứu kỹ thuật sinh học Trường Sinh đã bán khoảng 252.600 liều vắc xin “3 trong 1” phòng ngừa 3 bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván không đạt chuẩn cho Trung tâm Kiểm dịch và Phòng dịch tỉnh Sơn Đông. Thông tin ban đầu cho thấy, hơn 200.000 trẻ em ở Sơn Đông đã tiêm những liều vắc xin kém chất lượng trên. Trước đó, chính công ty này cũng bị phát hiện làm giả giấy tờ sản xuất 113.000 liều vắc xin phòng bệnh dại.

Bê bối vắc xin giả khiến người dân Trung Quốc mất niềm tin vào chất lượng dược phẩm nội địa.


Bê bối lần này khiến dư luận Trung Quốc vô cùng hoang mang khi đến thời điểm hiện tại cơ quan chức năng chưa xác định được bao nhiêu liều thuốc không đạt tiêu chuẩn đã được tiêu thụ trên thị trường. Theo các chuyên gia, những loại vắc xin giả này không tạo ra kháng thể để cơ thể của trẻ đối phó với các bệnh ho gà, bạch hầu và uốn ván nhưng cũng chưa thể khẳng định chúng có gây hại đến sức khỏe của trẻ hay không. Trong bối cảnh dư âm của vụ vắc xin quá hạn năm 2016; vụ 17 trẻ sơ sinh tử vong do tiêm vắc xin viêm gan B năm 2013 và vụ sữa bẩn melamine 10 năm trước vẫn còn khiến nhiều người dân Trung Quốc phẫn nộ, sự vụ lần này như giọt nước tràn ly, làm lung lay niềm tin của người dân quốc gia đông dân nhất thế giới này vào an toàn chất lượng thực phẩm, dược phẩm nội địa.

Sau khi thông tin về vắc xin giả lan truyền, số lượng cha mẹ tại đại lục đưa con tới các phòng khám tại Hồng Kông để tiêm phòng tăng vọt. Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Waikong tại Hồng Kông cho biết, điện thoại đặt lịch hẹn tiêm phòng tại đây không ngừng đổ chuông. Chỉ trong vòng một ngày, từ 22 đến 23-7, cơ sở này tiếp nhận hơn 30.000 cuộc gọi từ cha mẹ ở đại lục và tình trạng này vẫn tiếp diễn. Ngoài ra, dư luận Trung Quốc cũng đang đề nghị làm rõ một số nghi vấn xung quanh vụ bê bối vì trên thực tế, cuộc điều tra vắc xin kém chất lượng của Công ty Nghiên cứu kỹ thuật sinh học Trường Sinh đã được triển khai từ tháng 10-2017. Tuy nhiên, đến ngày 20-7-2018, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Cát Lâm mới công bố trên website chính thức quyết định xử phạt, tức là sau 9 tháng kể từ khi vụ điều tra bắt đầu. Điều này làm dấy lên nghi vấn về sự thông đồng giữa Trường Sinh và cơ quan chức năng.

Để xoa dịu bức xúc dư luận, Cục Giám sát dược phẩm quốc gia Trung Quốc đã yêu cầu kiểm tra toàn bộ quy trình đối với tất cả sản phẩm của Công ty Nghiên cứu kỹ thuật sinh học Trường Sinh, từ sản xuất, lưu trữ đến tiêu thụ vắc xin để công bố sớm nhất cho người dân. Trong một diễn biến mới nhất, cơ quan chức năng TP Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã bắt giữ 15 cá nhân, trong đó có chủ tịch công ty này tại tỉnh Cát Lâm. Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đều đã ra chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành và địa phương liên quan điều tra, làm rõ vụ việc, nghiêm khắc xử lý những người liên quan, khôi phục niềm tin của người dân.

Theo thống kê, đây là vụ bê bối thứ ba ở Trung Quốc liên quan đến vắc xin từ năm 2010. Nhiều phụ huynh thực sự lo ngại với tình trạng này và kêu gọi chính phủ có các hành động nghiêm khắc hơn. Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc đã cảnh báo vụ việc có thể khiến các bậc cha mẹ quay lưng không chỉ với vắc xin nội địa mà còn nhiều sản phẩm y tế trong nước khác và biến vụ này trở thành cuộc khủng hoảng y tế công lớn nếu không được xử lý kịp thời và minh bạch.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bê bối vắc xin giả tại Trung Quốc: Niềm tin bị lung lay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.