(HNMO) - Chiều 21/5, tòa tiếp tục xét hỏi Nguyễn Đức Kiên về hoạt động Công ty Thiên Nam, chủ yếu liên quan đến các giao dịch liên quan đến vàng. Nguyễn Đức Kiên tiếp tục đề nghị tòa triệu tập đại diện VCCI và chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Các bị cáo tại phiên tòa |
* 8h15', HĐXX tiếp tục phần xét hỏi. Nguyễn Đức Kiên tiếp tục bị đưa ra khỏi phòng xử, cách ly phần trả lời trước tòa của các bị cáo khác.
Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến trả lời trước tòa về trách nhiệm của chức vụ kế toán trưởng. Nguyễn Thị Hải Yến thừa nhận soạn thảo văn bản (hợp đồng chuyển nhượng cố phần và biên bản họp HĐQT Công ty ACBI) theo chỉ đạo của Kiên, đưa cho Nguyễn Đức Kiên duyệt. Yến cũng thừa nhận lời khai tại cơ quan điều tra về nội dung này, theo đó Yến không chứng kiến cuộc họp HĐQT nhưng vẫn lập biên bản. Việc 20 triệu cổ phiếu đang thế chấp mà vẫn được làm thủ tục bán cho Công ty CP Thép Hòa Phát, Yến khai nhận thức rằng thời điểm đó mới chỉ là “dự kiến” và đúng là phải rút 20 triệu cổ phiếu đó khỏi ngân hàng ACB thì mới bán được. Yến khai đã báo cáo việc 20 triệu cổ phiếu chưa được giải chấp. Khi tiền mua cổ phiếu chưa hợp pháp từ Công ty Hòa Phát về đến ACBI, Nguyễn Thị Hải Yến đã báo cáo Kiên. Yến tỏ ra loanh quanh, không thừa nhận vai trò tham gia vào việc chuyển nhượng trái phép số cổ phiếu trên, buộc tòa phải công bố một số lời khai của Yến tại cơ quan điều tra.
* 8h45', HĐXX đã thẩm vấn đại diện Công ty CP Thép Hòa Phát về việc biết hay không số cổ phiếu chuyển nhượng thực tế đã thế chấp. Đại diện Thép Hòa Phát không biết số cổ phiếu đõ đã bị thế chấp; sau khi ký hợp đồng đã chuyển tiền nhưng hợp đồng không thực hiện được. Đại diện Thép Hòa Phát cho biết đã có 2 đơn đề nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi trên của ACBI. Tòa cũng triệu tập và thẩm vẫn lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát để làm rõ chủ trương về việc đàm phán và mua lại cổ phiếu từ ACBI. Chủ tịch HĐQTTập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cũng khẳng định không biết về tình trạng thế chấp của số cổ phiếu trên.
* 9h5', HĐXX tiếp tục thẩm vấn đại diện Ban Pháp chế Ngân hàng ACB về số cổ phiếu trên nhằm xác định việc số cổ phiếu đó đang thế chấp và không được mua bán.
* 9h10', tòa giải lao.
* 9h30', tòa tiếp tục làm việc với phần xét hỏi Nguyễn Đức Kiên về việc ACBI sở hữu số cổ phiếu của Công ty thép Hòa Phát và việc chuyển nhượng lại số cổ phần đã thế chấp tại ngân hàng ACB. Kiên thừa nhận ACBI sở hữu số cổ phiếu này và khi muốn bán phải được sự đồng ý của người quản lý số tài sản này (ngân hàng ACB). Kiên khai chơi thân với lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát (Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long và Tổng giám đốc Trần Tuấn Dương) và được ông Trần Đình Long đề nghị bán lại số cổ phần trên và bàn nhau hoán đổi cổ phiếu chứ chưa nói chuyện bán. Kiên khẳng định, ông Long, ông Dương biết số cổ phiếu trên đã được thế chấp tại ngân hàng.
Ông Trần Đình Long được mời lên đối chất và tiếp tục khẳng định không biết việc số cổ phiếu này được thế chấp.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho biết, bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến biết việc ông Long, ông Dương biết số cổ phiếu trên đã được thế chấp vì Yến là người liên hệ với Tập đoàn Hòa Phát để Hòa Phát phát hành cổ phiếu cho ACBI.
Nguyễn Đức Kiên thừa nhận chỉ đạo lập biên bản họp HĐQT ACBI về việc thống nhất bán cổ phiếu.
Về hợp đồng bán cổ phiếu, Kiên cho rằng một số nội dung trong dự thảo hợp đồng đã cho ý kiến không đồng ý và đã chỉ đạo Nguyễn Thị Hải Yến liên hệ với ACB để giải chấp số cổ phiếu. Kiên cho rằng không đàm phán và không nhận tiền từ Công ty thép Hòa Phát. Khi nhận được tiền, Kiên cũng không biết việc cổ phiếu đã giải chấp. Thời điểm Hòa Phát chuyển tiền, Kiên đi nước ngoài vắng, khi về nước mới biết. Khoản tiền ACBI nhận được và chi tiêu Kiên khai không chỉ đạo.
Nguyễn Thị Hải Yến thì trả lời trước tòa đã báo cáo Kiên về việc tiền từ Thép Hòa Phát đã chuyển về và đã xin ý kiến chỉ đạo và được sự đồng ý của Kiên về việc chi tiêu.
Về nội dung trên, Nguyễn Đức Kiên cho rằng ý kiến của mình tại ACBI phải được thể hiện bằng văn bản. Bị cáo Trần Ngọc Thanh cũng khai phải có ý kiến của Kiên mới ký chi. Nguyễn Thị Hải Yến cũng khẳng định, trên các văn bản duyệt chi, hồ sơ chi đều có bút phê của Kiên. Kiên nói Yến khai không chính xác, bút phê có trước khi nhận tiền từ Công ty thép Hòa Phát (trước khi Kiên đi nước ngoài).
10h10, tòa chuyển sang phần xét hỏi về hành vi “kinh doanh trái phép”.
Nguyễn Đức Kiên khai chỉ là người đại diện pháp luật của 5/6 Công ty mà Kiên được cho là “nắm” (Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B; Công ty CP Tập đoàn tài chính Á Châu; Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội; Công ty CP đầu tư tài chính Á Châu; Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội và Công ty CP phát triển sản xuất và xuất khẩu Thiên Nam). Kiên khai các Công ty hoạt động đúng giấy phép hoạt động nhưng khai không nhớ chính xác nội dung từng giấy phép kinh doanh của các công ty mà mình là Chủ tịch HĐQT hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên. Nguyễn Đức Kiên cũng khẳng định số liệu kinh doanh của các công ty trên tại cáo trạng là chính xác nhưng phủ nhận cáo buộc “kinh doanh tài chính” mà đó chỉ là hoạt động “góp vốn”.
Bị cáo Kiên tiếp tục phủ nhận cáo trạng khi cho rằng Công ty Thiên Nam không kinh doanh vàng mà chỉ kinh doanh “giá vàng”. Về các giao dịch của Thiên Nam với ACB liên quan đến mặt hàng vàng, Kiên cho rằng do Tổng Giám đốc Lê Quang Trung thực hiện và hàng hóa là “trạng thái giá vàng” chứ không phải là vàng.
10h50, HĐXX tuyên dừng phiên làm việc buổi sáng.
14h, tòa tiếp tục thẩm vấn Nguyễn Đức Kiên về hành vi “kinh doanh trái phép”, liên quan đến hoạt động của các Công ty do Kiên lập ra. Nguyễn Đức Kiên thừa nhận các thông tin về việc góp vốn vào nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên Kiên tiếp tục khẳng định quan điểm đã kinh doanh đúng pháp luật, kinh doanh những ngành nghề, mặt hàng pháp luật không cấm. Để làm rõ vấn đề này, HĐXX đã thẩm vấn đại diện Sở KH-ĐT TP Hồ Chí Minh. Đại diện cơ quan này cho rằng nếu như kinh doanh cổ phiếu thì phải đăng ký kinh doanh. Tòa cũng thẩm vấn đại diện Sở KH-ĐT TP Hà Nội về việc đăng ký ngành nghề kinh doanh. Vị đại diện Sở KH-ĐT cho rằng doanh nghiệp có quyền kinh doanh ngành nghề pháp luật không cấm nhưng phải đăng ký kinh doanh.
Tòa cũng tiếp tục thẩm vấn nhiều đại diện của Bộ KH-ĐT, UB Chứng khoán Nhà nước, Tổng cục Thống kê để làm rõ việc đầu tư mua bán cổ phiếu, chứng khoán của các Công ty do Nguyễn Đức Kiên điều hành có phải đăng ký kinh doanh hay không.
Tòa tiếp tục xét hỏi Nguyễn Đức Kiên về hoạt động Công ty Thiên Nam, chủ yếu liên quan đến các giao dịch liên quan đến vàng. Nguyễn Đức Kiên tiếp tục từ chối trách nhiệm trong các giao dịch này, đồng thời nhắc lại quan điểm chỉ kinh doanh “giá vàng” chứ không kinh dooanh vàng và Tổng Giám đốc Lê Quang Trung là người ký lệnh giao dịch. Kiên cho rằng trong hồ sơ điều tra ghi Kiên quyết định việc giao dịch là không đúng… Nguyễn Đức Kiên tiếp tục đề nghị tòa triệu tập đại diện VCCI và chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
16h20, HĐXX tuyên bố kết thúc ngày làm việc thứ 2. 8h ngày 22-5, HĐXX sẽ tiếp tục xét hỏi các bị cáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.