(HNM) - Hôm nay (26-5), các cử tri Syria sẽ đi bỏ phiếu bầu chọn tổng thống nhiệm kỳ mới. Đây là cuộc bầu cử tổng thống thứ 2 ở Syria kể từ khi quốc gia này rơi vào nội chiến năm 2011. Được đánh giá là ứng cử viên sẽ giành chiến thắng, đương kim Tổng thống Bashar al-Assad đã xây dựng chương trình tranh cử bao gồm nhiều mục tiêu nhằm tái thiết đất nước.
Theo thông tin từ Ủy ban Bầu cử Syria, có tổng cộng 51 ứng cử viên đã gửi đơn đăng ký tham gia tranh cử. Tuy nhiên, chỉ có 3 ứng cử viên được lựa chọn, đó là Tổng thống Bashar al-Assad, Tổng Thư ký Mặt trận Dân chủ Syria đối lập Mahmoud Marei và cựu nghị sĩ Abdullah Sallum Abdullah. 48 ứng cử viên khác đã bị Quốc hội từ chối, vì mỗi ứng viên trong số này không đáp ứng được điều kiện ứng cử là phải có được sự ủng hộ của khoảng 35 đại biểu Quốc hội Syria. Trước ngày bầu cử chính thức, cử tri Syria ở nước ngoài đã đi bỏ phiếu tại các đại sứ quán và lãnh sự quán của Syria trên khắp thế giới. Cuộc bỏ phiếu ở 46 khu vực bầu cử tại nước ngoài đã diễn ra trong bầu không khí tích cực.
Tương tự cuộc bầu cử diễn ra năm 2014, Tổng thống Bashar al-Assad được đánh giá sẽ tiếp tục giành chiến thắng áp đảo do vẫn nhận được sự tín nhiệm cao của người dân trong nước. Hiện tại các lãnh đạo quân đội Syria vẫn trung thành với nhà lãnh đạo 55 tuổi này. Trên chiến trường, quân đội Syria đã giành lại phần lớn các vùng lãnh thổ mà phe nổi dậy, được một số thế lực bên ngoài hậu thuẫn, chiếm giữ trong một thời gian dài. Cộng đồng thế giới vẫn ghi nhận quyền lãnh đạo của ông với tư cách là một tổng thống dân cử. Sau nhiều năm tẩy chay, một số quốc gia vùng Vịnh đã mở lại đại sứ quán ở Syria. Các đoàn đại biểu Iraq, Lebanon và Jordan cũng đến thăm Syria để bàn luận về thương mại, thúc đẩy quan hệ…
Đưa ra khẩu hiệu “Hy vọng thông qua lao động”, ông Bashar al-Assad muốn khẳng định nỗ lực tái thiết đất nước. Đây là công việc nhà lãnh đạo Syria tập trung đẩy mạnh suốt thời gian qua. Nếu tiếp tục đắc cử, Tổng thống Bashar al-Assad cũng sẽ ưu tiên các cuộc đàm phán sửa đổi Hiến pháp. Đây vốn là một giải pháp chính trị quan trọng giúp khép lại cuộc chiến tại Syria, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho việc tái thiết đất nước.
Những thiệt hại do nội chiến tại Syria đã là quá nhiều với đất nước này trong đó có gần 400.000 người thiệt mạng, 200.000 người mất tích. Báo cáo của Liên hợp quốc cho hay, sau 10 năm nội chiến, 5,6 triệu người trên tổng số 24 triệu dân Syria phải di tản sang Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon hay Jordani để tị nạn, 80% dân số nước này rơi vào cảnh bần cùng. Hiện tại, có khoảng 13,4 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, cũng như việc tiếp cận nguồn vắc xin phòng Covid-19 ngày một cấp thiết. Hơn 12 triệu người đang rơi vào tình cảnh mất an ninh lương thực.
Làm rõ hơn về những thiệt hại do nội chiến tại Syria, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách vấn đề nhân đạo Mark Lowcock cho biết, trẻ em tại Syria bị ảnh hưởng nhiều nhất. 90% trẻ em hiện đang cần hỗ trợ nhân đạo trong đó viện trợ nhân đạo cho trẻ em tại các trại của người bị buộc rời khỏi nơi cư trú ở Tây Bắc, Đông Bắc và miền Nam Syria đang ở mức đặc biệt nghiêm trọng do không đáp ứng được nhu cầu. Sau một thập kỷ xung đột, ước tính khoảng 12 nghìn trẻ em thương vong. Không chỉ bị ảnh hưởng bởi bạo lực, hàng triệu trẻ em Syria phải bỏ học, nhiều em phải tự lao động kiếm sống.
Trong bối cảnh như hiện nay, để thực hiện mục tiêu tái thiết đất nước, Tổng thống Bashar al-Assad sẽ phải vượt qua rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, sự tín nhiệm và tin tưởng của người dân sẽ là động lực lớn giúp ông hoàn thành sứ mệnh nếu tiếp tục đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.