(HNM) - Cuộc tìm kiếm đại diện của 2 đảng để chạy đua vào vị trí Tổng thống Mỹ đã bắt đầu bước vào giai đoạn tăng tốc. Sau đảng Cộng hòa, ngày 14-10, 5 ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ tiến hành cuộc tranh luận đầu tiên được truyền hình trực tiếp.
Trong suốt 2 giờ đồng hồ, cuộc tranh luận nảy lửa giữa các ứng cử viên xoay quanh 5 vấn đề chính mà nước Mỹ đang quan tâm hiện nay, đó là: Kiểm soát súng đạn, tình hình Nga - Syria, vấn đề kinh tế, học phí và biến đổi khí hậu. Về cơ bản, các ứng viên cũng thể hiện quan điểm thống nhất với chính sách nhập cư khi kêu gọi một hành động pháp lý nhằm chấm dứt thực trạng hàng triệu người nhập cư đang sinh sống trái phép tại nước này. Đây được coi là chủ trương chung của đảng Dân chủ nhằm lôi kéo sự ủng hộ của cộng đồng người Mỹ gốc Tây Ban Nha, những người chủ yếu bỏ phiếu cho Tổng thống Barack Obama trong cuộc bầu cử năm 2012.
5 ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc tranh luận đầu tiên. |
Không nằm ngoài dự đoán, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton (67 tuổi) và Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders (74 tuổi) là hai nhân vật giành được sự chú ý nhiều nhất trong cuộc tranh luận khi liên tục trình bày những quan điểm đối lập về một loạt chính sách của Mỹ. Về kiểm soát súng đạn, bà H.Clinton kêu gọi siết chặt những quy định hiện nay, sau khi xảy ra hàng loạt vụ xả súng bừa bãi gây nhiều thương vong tại nước này. Ngoài ra, cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng nhận xét quan điểm của ông B.Sander về vấn đề này là chưa đủ mạnh mẽ. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ B.Sanders cho rằng để giải quyết vấn đề này, Mỹ cần cải thiện những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần, nhằm bảo đảm người dân ý thức được trách nhiệm khi sở hữu súng; đồng thời, thay vì xây thêm các nhà tù và siết chặt quy định giam giữ tội phạm, nên dành ngân sách cho giáo dục và tạo thêm nhiều việc làm cho thế hệ trẻ.
Bà H.Clinton cũng bị chỉ trích vì quan điểm phản đối hôn nhân đồng tính và đặc biệt là phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi cho rằng TPP sẽ không giúp tăng thu nhập cho người lao động Mỹ cũng như hiệp định không đáp ứng được các tiêu chuẩn người Mỹ mong muốn. Về chính sách đối ngoại, bà H.Clinton thể hiện quan điểm cứng rắn hơn so với những ứng cử viên còn lại. Cựu Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi hành động cương quyết hơn nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Syria, cụ thể là thiết lập vùng cấm bay tại quốc gia Trung Đông này. Trong khi đó, ông B.Sander lại cho rằng đề xuất của bà Clinton có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Hiện tại, bà H.Clinton được đánh giá là ứng viên nhiều kinh nghiệm trong các cuộc tranh luận trên truyền hình vì từng tham gia chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008. Từ khi tuyên bố ra tranh cử hồi tháng 6 tới nay, cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ luôn dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò dư luận. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ đã chững lại và bắt đầu sụt giảm trong mấy tuần qua do vụ bê bối sử dụng hòm thư điện tử cá nhân để xử lý việc công trong thời gian đương chức Ngoại trưởng Mỹ.
Thượng nghị sĩ bang Vermont B.Sanders, người coi bản thân là một chính khách theo đường lối dân chủ xã hội và từng kêu gọi "cách mạng chính trị" tại Mỹ, nhận được sự ủng hộ lớn trong các cuộc vận động tranh cử, là người truyền cảm hứng cho các nhân vật có tư tưởng thiên tả trong đảng Dân chủ và phản đối tình trạng bất bình đẳng về thu nhập hiện nay tại Mỹ. Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất do Fox News công bố ngày 13-10, tỷ lệ ủng hộ bà H.Clinton đang bỏ xa tỷ lệ ủng hộ ông B.Sanders. Trong số hơn 1.000 cử tri của đảng Dân chủ được hỏi, 45% ủng hộ bà H.Clinton, trong khi chỉ có 25% ủng hộ ông B.Sanders.
Theo kế hoạch, đảng Dân chủ sẽ tiếp tục tổ chức 5 cuộc tranh luận trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng vào tháng 2-2016 để chọn ứng cử viên sẽ đứng ra "đối đầu" với ứng cử viên của đảng Cộng hòa. Điều đáng chú ý là, không giống với cuộc tranh luận ở nội bộ đảng Cộng hòa, dù có nhiều quan điểm trái ngược song các ứng cử viên của đảng Dân chủ đều thể hiện tinh thần đoàn kết chính trị khi hạn chế công kích lẫn nhau, mà coi đây là một diễn đàn để nói về chính sách cũng như làm sắc nét hơn cương lĩnh tranh cử của từng cá nhân. Đây được xem là một lợi thế khiến đảng Dân chủ thu hút được nhiều cảm tình của cử tri trong cuộc đua sắp tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.