Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bát Tràng vào xuân

Bạch Thanh| 17/02/2013 07:19

(HNM) - Những ngày đầu năm Quý Tỵ, con đường chính từ đầu làng gốm sứ Bát Tràng ít tấp nập hơn những ngày cuối năm Nhâm Thìn. Từ những con phố mới rộng thênh thang đến những ngõ nhỏ nơi đây, không khí xuân vẫn còn tràn ngập bởi cách trang hoàng nhà cửa, băng rôn chào đón một năm an lành, hạnh phúc. Chợ gốm đã mở trở lại sau mấy ngày nghỉ tết. Các xưởng học vẽ đã hoạt động khá nhộn nhịp. Làng nghề lại quay lại nhịp sống thường nhật.


Ông Vũ Đức Thắng, xóm 5 Bát Tràng, chủ Công ty Mỹ thuật ứng dụng Hồn đất Việt và cũng là một trong những nghệ nhân có tiếng ở Bát Tràng đang bận rộn với mẻ gốm đầu năm. Chỉ tay vào lô sản phẩm "phôi" còn nằm trên giàn sấy, ông Thắng cho biết, ngày hôm sau sẽ cho chạy lò nhỏ (khoảng 2m3) trước. Mới đầu năm nhưng hầu hết các lò trong làng đều đã đỏ lửa.

Những người thợ lành nghề tại làng gốm Bát Tràng. Ảnh: Tây Hồ


Có hộ chuyên hàng gia dụng, bát, ấm chén, có hộ chuyên lộc bình… mỗi người có con đường đi riêng vì thế nên sản phẩm của Bát Tràng rất đa dạng. Đặc biệt, những năm gần đây các nghệ nhân đã kế thừa được tinh hoa nghìn năm của làng và học hỏi được công nghệ của nước ngoài, nhờ đó mà tinh hoa gốm Bát Tràng ngày càng tỏa sáng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, làng nghề Bát Tràng hiện có hàng nghìn hộ sản xuất, hơn 50 doanh nghiệp kinh doanh hàng gốm sứ dân dụng và xuất khẩu, thu hút số lao động thường xuyên và thời vụ lên tới hơn vài nghìn người/ngày. Năm 2012, do biến động về giá cả, mức tiêu thụ hàng hóa, xuất khẩu giảm... tổng doanh thu toàn xã giảm khoảng 6,8% so với năm trước. Chủ tịch UBND xã Đào Xuân Hùng, cho biết: Trước đây, có năm làm ăn khá, chỉ tính riêng mảng xuất khẩu lượng hàng gốm sứ đạt tổng doanh thu khoảng 12 triệu USD/năm. Có doanh nghiệp làm ăn tốt, đạt doanh thu tới mười tỷ đồng/năm. Năm 2012 tổng doanh thu của làng nghề đạt hơn 400 tỷ đồng là sự nỗ lực rất lớn. Các cơ sở sản xuất, chủ doanh nghiệp luôn không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm hướng tiêu thụ mới và kỳ vọng vào một sự khởi sắc trong năm 2013.

Để quảng bá thương hiệu làng nghề, tạo không gian văn hóa cho người dân, trong dịp xuân Quý Tỵ, người Bát Tràng vẫn hăng say tham gia các lễ hội truyền thống của địa phương và các sự kiện văn hóa, du lịch do thành phố tổ chức. Đây là dịp để các nghệ nhân, nhân dân làng nghề "được thăng hoa" sau một năm vất vả làm ăn. Nói về sự đảm đang của con gái Bát Tràng, ông Đào Xuân Hùng cho biết thêm: Chỉ cần nhìn vào mâm cỗ ngày lễ, ngày Tết của Bát Tràng là biết ngay phụ nữ ở đây thế nào. Phụ nữ ở đây làm kinh tế cũng giỏi giang không kém gì cánh mày râu. Và giữ cho được nếp của làng nghề truyền thống thì phụ nữ ở đây cũng rất giỏi. Tết này cũng như bao tết khác, trong mỗi mái nhà ở Bát Tràng vẫn không thể thiếu được món canh măng mực, một món ăn mà ngay từ khâu chuẩn bị đã công phu, nhiều công đoạn và tốn thời gian. Món ăn cầu kỳ này có thực sự ngon hay không cũng đòi hỏi sự khéo léo của người nội trợ, từ khâu chọn nguyên liệu, sơ chế cho đến việc nêm gia vị. Phải làm sao cho khi múc ra bát, món măng mực phải có màu vàng sáng, nước canh trong, vị ngọt đậm đà và thơm của mực. Sợi măng giòn, sợi mực mềm mà dai khiến cho món ăn càng hấp dẫn hơn.

Làng nghề Bát Tràng ấm hơi xuân với những mẻ gốm mới ra lò. Sự thanh bình, yên ả của làng nghề đầu xuân, dự báo một năm làm ăn thuận lợi hơn, để Bát Tràng vượt qua khó khăn, phát huy nghề truyền thống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bát Tràng vào xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.