(HNM) - Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Phi (AU) lần thứ 18 với chủ đề
Trước thềm hội nghị, ít ai nghĩ cuộc nhóm đầu tiên của các nhà lãnh đạo AU kể từ sau cái chết của người sáng lập ra tổ chức này, cố lãnh đạo Libya, ông Muammar Gaddafi, lại thành công như thế. Biến cố "mùa xuân Arab" quét qua Lục địa đen này đã gây bao sóng gió trên chính trường ở nhiều quốc gia khu vực Bắc Phi, kéo theo đó là sự sụt giảm về kinh tế, thương mại. Trong khi đó, bạo lực, xung đột vẫn diễn ra ở một số nơi như Sudan và Nam Sudan, cùng với đó là sự can thiệp của bên ngoài vào các vấn đề nội bộ của Châu Phi... gây không ít trở ngại cho sự thống nhất, hòa bình ở châu lục này. Do đó, cái bắt tay cùng với nụ cười rạng rỡ của các nhà lãnh đạo AU khi kết thúc hội nghị đã gợi mở nhiều điều, trước hết là lối đi đúng hướng cho sự hợp tác, phát triển và thịnh vượng trong tương lai.
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Phi (AU) kéo dài hai ngày đã vắng mặt người sáng lập G.Gaddafi. |
Những vấn đề được bàn thảo tại hội nghị đều rất sát thực với tình hình, đời sống của người dân trong châu lục. Đó là việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo theo hướng bảo đảm cung cấp năng lượng sạch, bền vững, giá rẻ và phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Trong tuyên bố kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã phát lời kêu gọi chính phủ các nước thành viên tăng chi tiêu công cho cơ sở hạ tầng thông qua việc triển khai các dự án thủy điện, nhà máy lọc dầu, xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt, đẩy mạnh hiện đại hóa đường sắt và nâng cao năng lực bốc dỡ hàng hóa của các hải cảng. Ước tính, Châu Phi sẽ cần tới 60 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới. Các nhà lãnh đạo cũng đề xuất xây dựng mạng lưới băng thông rộng và hệ thống cáp ngầm dưới đáy biển nhằm phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, qua đó từng bước cải thiện thực trạng yếu kém hiện nay của cơ sở hạ tầng thông tin và dịch vụ.
Rõ ràng, hội nghị đã mở ra triển vọng tích cực cho sự hợp tác trong khu vực. Dư luận cho rằng, dẫu có những bất đồng tạm thời như hội nghị không bầu được Chủ tịch Hội đồng Liên minh Châu Phi (AUC), cơ quan hành pháp của AU, nhưng kết quả của hội nghị đã góp phần tích cực thúc đẩy thương mại nội khối nhằm hướng tới mục tiêu thành lập Khu vực Thương mại tự do Châu Phi (CFTA) vào năm 2017. Hiện tại, để giúp Lục địa đen này đạt được mục tiêu cần có sự tham gia của cộng đồng quốc tế, cụ thể là các định chế quốc tế như Ủy ban Kinh tế về Châu Phi của Liên hợp quốc (UNECA), Ngân hàng Phát triển Châu Phi và Ngân hàng Thế giới (WB) giúp Châu Phi thực hiện các kế hoạch và dự án đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.