Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Bắt tay” để tránh lãng phí

Quỳnh Anh| 22/03/2012 07:18

(HNM) - Mỗi năm, các cơ sở dạy nghề của TP Hà Nội đào tạo nghề cho hàng chục nghìn lao động. Các chỉ tiêu về đào tạo nghề luôn đạt, thậm chí vượt mức được giao, thế nhưng có một nghịch lý là phần lớn doanh nghiệp lại chỉ sử dụng lao động chưa qua đào tạo nghề. Tại sao như vậy?

Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, đến tháng 10-2011 toàn thành phố có 261 cơ sở dạy nghề, trong đó có 20 trường cao đẳng nghề, 46 trường trung cấp nghề, 56 trung tâm dạy nghề... Mỗi năm, các cơ sở dạy nghề đăng ký đào tạo với quy mô tuyển sinh gần 140.000 người, trong đó cao đẳng nghề 17.705 người, trung cấp nghề 17.125 người, sơ cấp nghề và dưới 3 tháng 105.155 người.

Đào tạo nghề sửa chữa ô tô tại Trung tâm Dạy nghề Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: Lê Tuấn

Thống kê cho thấy, các khu công nghiệp Hà Nội có hơn 115.000 lao động đang làm việc, trong đó lao động được đào tạo qua các trường nghề chiếm tỷ lệ rất thấp (chỉ khoảng 15%). Chẳng hạn như Công ty TNHH Canon Việt Nam có hơn 9.000 lao động đang làm việc, trong đó số lao động được đào tạo nghề từ các cơ sở dạy nghề của TP Hà Nội chỉ chiếm khoảng 5,8%. Công TNHH Nissei Electric Việt Nam có 5.000 lao động nhưng chỉ có khoảng 10% đã qua đào tạo nghề.

Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ việc đào tạo nghề hiện vẫn còn nhiều hạn chế về quy mô; cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo còn bất cập; chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu thực tế sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; khả năng thích ứng của học sinh, sinh viên ra trường chưa cao; nhiều cơ sở dạy nghề chưa gắn đào tạo với sử dụng, với sản xuất và việc làm; lao động đã qua đào tạo nghề thường có lý thuyết tốt nhưng thực hành kém, thiếu tính thực tiễn. Ông Trần Văn Đông, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội cho biết, việc đăng ký các nghề để học dường như vẫn theo phong trào, trong đó lĩnh vực nghề nông nghiệp như trồng trọt, thú y, thủy lợi… hầu như không có người học. Ông Cao Đình Đức, Hiệu phó Trường Trung cấp nghề Việt - Úc cho biết, hiện nay công tác hướng nghiệp đối với lao động học nghề cũng còn hạn chế. Phần lớn người học nghề không nắm được thị trường lao động, không biết nhu cầu của người sử dụng dẫn đến không định hướng được tương lai của mình… Một hạn chế khác là trường nghề chưa tạo được thị trường do chưa phân tích thị trường lao động.

Theo ông Ngô Chí Hùng, Phó Trưởng ban Quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội, ngoài những nguyên nhân trên thì việc các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Hà Nội ít sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề của TP còn là do thiết bị công nghệ của các doanh nghiệp đang áp dụng là dây chuyền tự động hóa nên cần lao động phổ thông nhiều hơn lao động có tay nghề; ý thức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp của NLĐ đã qua đào tạo nghề tại các cơ sở dạy nghề thấp, tâm lý không ổn định, hay nhảy việc. Hầu hết các doanh nghiệp khi tuyển lao động đã được đào tạo nghề tại các cơ sở dạy nghề của thành phố đều phải đào tạo lại. Rất nhiều ngành nghề được đào tạo từ các cơ sở dạy nghề không phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.

Giải quyết những bất hợp lý trên, theo các chuyên gia đã đến lúc các doanh nghiệp và các trường nghề cần "ngồi" lại với nhau, "bắt tay" trong việc đào tạo và cung ứng lao động. Có như vậy mới tránh được sự lãng phí quá lớn. Chẳng hạn như Ban Quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ khu công nghiệp phối hợp với các cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề. Bước đầu đã thu được nhiều kết quả khả quan như phối hợp với huyện Chương Mỹ và Trường Trung cấp Kỹ thuật nghề Bắc Thăng Long đào tạo và cung cấp 300 lao động cho Công ty TNHH Thời trang Star ở Khu công nghiệp Phú Nghĩa; phối hợp với Trường Trung cấp nghề tổng hợp Hà Nội đào tạo nghề cho 1.500 lao động cung cấp cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin... Trường Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội với quy mô đào tạo hơn 7.000 học sinh. Trước đây, học sinh của trường sau khi tốt nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc làm. Nhưng giờ đây tình trạng này đã được khắc phục khi trường "bắt tay" với 50 doanh nghiệp trong nước, đào tạo nghề theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp. Hiện 90% học sinh của trường sau khi tốt nghiệp đã có việc làm ngay.

Dự báo đến năm 2020 nhu cầu lao động của TP Hà Nội cần hơn 4,5 triệu người, trong đó khoảng gần 2,5 triệu lao động làm dịch vụ, gần 1,4 triệu lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và hơn 680.000 lao động ở lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp. Mục tiêu của TP là đến năm 2020 sẽ có hơn 3,4 triệu lao động chất lượng cao qua đào tạo. Để đạt được mục tiêu này, các cơ sở dạy nghề cần phải nhanh chóng thay đổi phương thức đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết nhiều hơn nữa với các doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bắt tay” để tránh lãng phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.