Các đối tượng lập 12 công ty ma bán hóa đơn GTGT có doanh số ghi trên các hóa đơn là hơn 1.000 tỷ đồng và đã bán cho gần 1.000 doanh nghiệp để sử dụng hóa đơn GTGT.
Ngày 16-12, cơ quan ANĐT, Công an TP Hà Nội đã khởi tố 3 bị can gồm: Ngô Thị Thu Huyền (32 tuổi, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội); Lê Thị Kim Anh (42 tuổi, trú tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) và Nguyễn Thị Thu Hương (42 tuổi, trú tại phường Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội) về tội “mua bán trái phép hóa đơn” quy định tại Điều 164a, Bộ luật Hình sự (trong số 3 bị can nêu trên có Ngô Thị Thu Huyền bị bắt tạm giam, còn 2 bị can Kim Anh và Thu Hương do tự đầu thú nên bị áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú).
Theo tài liệu điều tra cho thấy, trước đó, cơ quan ANĐT – Công an TP Hà Nội nhận được đơn đề nghị của một chi nhánh ngân hàng ở TP Hà Nội về việc tại ngân hàng này bị đối tượng giả mạo chữ ký giám đốc để rút hơn 600 triệu đồng.
Các đối tượng trong đường dây mua bán hóa đơn GTGT. |
Sau nhiều tháng điều tra, đến nay, cơ quan ANĐT đã làm rõ hành vi giả mạo chữ ký nêu trên là do đối tượng mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) đã gửi tiền vào tài khoản của ngân hàng để hợp thức hóa đầu vào.
Theo đó, cơ quan ANĐT đã triệu tập người mua bán hóa đơn GTGT vì còn lưu giữ mẫu hóa đơn trong máy điện thoại di động là của Công ty TNHH sản xuất Cơ khí và xây dựng Minh Quân (Công ty Minh Quân) do bà Lê Thị Kim Anh làm giám đốc. Kết quả điều tra cho thấy, có dấu hiệu mua bán trái phép hóa đơn. Do vậy, cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội đã triệu tập Kim Anh.
Tại cơ quan Công an, đối tượng đã khai nhận về hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT của mình cùng các đồng phạm khác và làm đơn tự đầu thú, tự nguyện giao nộp 15 quyển hóa đơn GTGT của Công ty Minh Quân đã bán liên 2 có ghi nội dung cùng tài liệu liên quan đến hoạt động phi pháp của công ty.
Tiếp theo, cơ quan ANĐT đã mời đối tượng Hương tới làm việc, đối tượng đã làm đơn tự thú về hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT và giao nộp 21 quyển hóa đơn đã xuất bán khống của Công ty TNHH Thương mại Quang Tường do Hương đứng tên làm giám đốc cho cơ quan ANĐT.
Tại cơ quan điều tra, Kim Anh và Hương khai nhận, đã giao hồ sơ, chứng từ và con dấu của 2 công ty nêu trên cho Huyền.
Xét thấy cần thiết phải khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc, trụ sở công ty đối với các đối tượng để thu giữ tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án, cơ quan ANĐT đã tiến hành khám xét 9 điểm liên quan đến các đối tượng.
Qua đó đã thu giữ 200 quyển hóa đơn đã viết nội dung và chưa viết nội dung, 14 bộ dấu công ty, tiêu đề, chữ ký của các giám đốc. Trước chứng cứ thu thập được, các đối tượng đã khai nhận, từ năm 2013 đến nay, đã thành lập 12 công ty ma.
Những người làm giám đốc công ty khi được cơ quan Công an hỏi thì họ không hề biết mình làm giám đốc, trong số này có một số công ty mua lại do làm ăn thua lỗ với giá từ 100 đến 150 triệu đồng/công ty. Nhưng thực tế, sau khi thâu tóm, các công ty này không sản xuất kinh doanh mà chỉ nhằm mục đích mua bán hóa đơn GTGT để kiếm lời.
Để guồng máy của các công ty ma hoạt động được thuận lợi trong việc mua bán hóa đơn GTGT, nhóm đối tượng này còn thuê một số nhân viên để nhập thông tin vào máy tính theo yêu cầu của khách hàng mua hóa đơn, viết hóa đơn GTGT xuất bán, chuyển khoản, rút tiền tại ngân hàng…
Cho đến thời điểm này cơ quan ANĐT – Công an TP Hà Nội xác định đối tượng Huyền giữ vai trò chính trong vụ án. Đồng thời đã làm rõ qua việc các đối tượng lập 12 công ty ma bán hóa đơn GTGT có doanh số ghi trên các hóa đơn là hơn 1.000 tỷ đồng và đã bán cho gần 1.000 doanh nghiệp để sử dụng hóa đơn GTGT. Theo thỏa thuận, khách hàng mua hóa đơn GTGT phải trích lại từ 3,6% đến 4,2% tổng số tiền ghi trên hóa đơn. Đây là số tiền thu lợi bất chính khá lớn.
Cơ quan ANĐT đã thu giữ hơn 1 tỷ đồng, 500 USD và tiếp tục mở rộng vụ án để làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị đã mua bán khống hóa đơn GTGT để lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
Qua vụ án này cho thấy, trong thời gian vừa qua, tình trạng một số công ty TNHH thành lập để mua bán hóa đơn GTGT xảy ra ở Hà Nội lại tiếp diễn, hậu quả là rất nghiêm trọng, đã gây thất thoát rất lớn tài sản của Nhà nước qua việc được hoàn thuế GTGT.
Đây là một kẽ hở do thiếu hậu kiểm của các cơ quan chức năng. Đáng lưu ý, có những đối tượng bị bắt trong đường dây bán hóa đơn GTGT đã khai, sở dĩ làm được hành vi gian dối này là do ngành Thuế không sâu sát và kiểm tra công ty có kinh doanh sản xuất hay không, qua đó đã tạo nên kẽ hở cho các giám đốc Công ty TNHH mua bán hóa đơn GTGT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.