Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất đồng chưa qua, ngờ vực lại tới

THÙY DƯƠNG| 25/06/2015 06:17

(HNM) - Được khởi xướng vào năm 2009, Đối thoại chiến lược và kinh tế thường niên là diễn đàn để Mỹ - Trung Quốc thúc đẩy hợp tác, giải quyết thách thức, cũng như thu hẹp bất đồng trong các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, cuộc thương thuyết song phương lần thứ bảy vừa diễn ra tại thủ đô Washington bị "phủ bóng" bởi sự ngờ vực và căng thẳng tăng cao do những động thái phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như những cáo buộc rằng Bắc Kinh đứng đằng sau một vụ tin tặc quy mô lớn, đánh cắp hàng triệu tài liệu hồ sơ nhân sự từ các máy tính của Chính phủ Mỹ.

Quan chức cấp cao hai nước tham dự Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung lần thứ bảy tại Washington, Mỹ.



Thực tế, quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới với hệ thống chính trị và những ưu tiên đa dạng hiếm khi xuôi chèo mát mái. Nhưng trong những tháng gần đây, quan hệ Mỹ - Trung trở nên sóng gió hơn. Trước hết, quy mô xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm dấy lên các quan ngại trong khu vực về tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh. Mỹ cũng tiến hành bay do thám quân sự công khai và hiếm có tới khu vực nhằm làm rõ quy mô hoạt động của phía Trung Quốc. Bắc Kinh gọi các đảo này thuộc chủ quyền lãnh thổ của họ, nhưng Mỹ quả quyết, Trung Quốc đang xây dựng ở các vùng biển tranh chấp và đe dọa tự do hàng hải ở các tuyến đường biển then chốt cho thương mại quốc tế. Washington cũng quan ngại rằng, nếu các hoạt động xây dựng được hoàn thành, Trung Quốc có thể áp đặt các quy định đối với tàu thuyền, máy bay nước ngoài trên Biển Đông, đe dọa đến tự do hàng hải, gia tăng thêm căng thẳng trong khu vực. Do đó, Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung lần thứ bảy đang trở thành phép thử phản ứng của Mỹ trước Trung Quốc và ngược lại trong vấn đề Biển Đông. Ngay trong khi đối thoại diễn ra, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Work lên tiếng cảnh báo Trung Quốc đang theo đuổi nỗ lực nghiêm túc nhằm thách thức ưu thế quân sự của Mỹ trên không và không gian, bằng cách phát triển chiến đấu cơ tránh ra đa, máy bay trinh sát hiện đại, các dòng tên lửa phức tạp...

Ngoài vấn đề Biển Đông, cuộc họp năm nay còn diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên tăng cao quanh những cáo buộc về gián điệp mạng. Vấn đề trở nên cấp bách khi có khoảng 14 triệu nhân viên Liên bang Mỹ đã bị trộm thông tin cá nhân. Washington cho rằng, các tin tặc do Bắc Kinh đứng sau đã trực tiếp gây ra hàng loạt vụ tấn công nhằm vào máy tính của Chính phủ Mỹ. Theo chính quyền Tổng thống Barack Obama, Chính phủ Trung Quốc, chứ không phải tin tặc, phải chịu trách nhiệm cho những vụ đánh cắp thông tin trên cho dù Bắc Kinh đã bác bỏ mọi cáo buộc và nói rằng mình cũng là nạn nhân của các cuộc tấn công mạng.

Tuy nhiên, bất chấp một bầu không khí u ám ngay khi cuộc đối thoại diễn ra, Mỹ và Trung Quốc vẫn có lý do thuyết phục để tìm kiếm sự hợp tác trong những lợi ích chung, từ biến đổi khí hậu cho đến một hiệp định đầu tư song phương đã được đưa ra từ lâu. Hai bên kỳ vọng tại cuộc đối thoại lần này sẽ khai thông bế tắc trong việc đàm phán Hiệp định Đầu tư song phương Mỹ - Trung. Nếu hiệp định này được ký kết, Trung Quốc sẽ có cơ hội mở rộng đầu tư sang Mỹ, trong khi Washington có thể giải được bài toán việc làm. Đặc biệt, Trung Quốc xem cuộc đối thoại lần này như khúc dạo đầu cho chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Nhà Trắng vào cuối năm nay kể từ khi ông lên lãnh đạo Trung Quốc vào năm 2013.

Các nhà phân tích cho rằng, với những khác biệt chồng chất, kết quả đối thoại thường niên Mỹ - Trung lần thứ bảy có thể sẽ khiêm tốn. Triển vọng hai bên đạt được những cam kết hay đồng thuận mang tính bước ngoặt là không cao trong bối cảnh bất đồng cũ chưa được hóa giải thì ngờ vực mới đã nảy sinh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bất đồng chưa qua, ngờ vực lại tới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.