(HNM) - Năm 2013, Hà Nội xảy ra 46 vụ cháy rừng, không những gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường sống. Hiện nay, đang là cao điểm mùa hanh khô, nguy cơ cháy rừng đang ở mức cao.
Báo động cháy rừng
Năm nào cũng vậy, huyện Sóc Sơn là địa phương để xảy ra số vụ cháy rừng nhiều nhất. Năm 2013, toàn huyện xảy ra 36 vụ cháy, thiêu rụi gần 22ha rừng. Chỉ hơn một tháng đầu mùa khô 2013-2014, (từ ngày 20-9 đến 25-10) rừng ở huyện Sóc Sơn đã 7 lần bị cháy, thiệt hại khoảng 10ha rừng. Vụ cháy gần đây nhất là vào ngày mùng 4 Tết Giáp Ngọ tại khu rừng xã Quang Tiến, thiệt hại 0,5ha rừng... Ông Nguyễn Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sóc Sơn cho biết, Sóc Sơn có hơn 4.500ha rừng, phần lớn là rừng trồng lâu năm, rừng thông, keo, bạch đàn đã già, có độ che phủ cao, thảm thực vật dày 0,5-1m nên rất dễ bắt lửa. Vào mùa hanh khô (từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau), cấp độ báo động cháy rừng luôn ở cấp cực kỳ nguy hiểm. Đáng nói, có tới 80% số vụ cháy xảy ra vào ban đêm, gây khó khăn cho việc chữa cháy. Hơn nữa, rừng thông được quy hoạch đẹp nên thu hút học sinh, sinh viên vào vui chơi, du lịch. Họ dùng lửa nấu ăn hoặc đốt nến xếp hình, khi gặp gió tạt lửa vào lớp thực bì gây ra cháy. Nghiêm trọng nhất là trong các khu rừng của Sóc Sơn có nhiều công trình xây dựng xen kẽ nên khó kiểm soát được việc sử dụng lửa của công nhân. Khi gây cháy rừng, họ dập lửa không được đã bỏ chạy. Khi cháy lan rộng, cơ quan chức năng tổ chức dập lửa rất khó khăn và tốn kém. Ngoài ra, một số địa phương, chính quyền cấp xã nhận thức chưa đầy đủ trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, coi đó là nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm nên lơ là công tác tuyên truyền. "Để phủ xanh lại diện tích rừng đã bị cháy mất rất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian, thậm chí có những khu rừng phải 40-50 năm sau mới khôi phục lại được". - Ông Thành cho hay.
Diễn tập phòng, chống cháy rừng ở huyện Ba Vì. |
Ông Lê Quang Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho rằng, quan ngại nhất ở những khu rừng sản xuất, người dân được giao quyền trồng rừng, tự quản lý và khai thác thường lơ là chủ quan. Đa số hộ khi đốt thực bì, chuẩn bị cho đợt trồng rừng mới đã không áp dụng các biện pháp kỹ thuật về phòng, chống cháy rừng (PCCR), gặp thời tiết hanh khô đám cháy bùng phát mạnh không kiểm soát được mới kêu cứu lực lượng chức năng thì đã muộn.
Lực lượng kiểm lâm - Làm không xuể
Để nâng cao nhận thức PCCR cho người dân các huyện, thị xã có rừng, bước vào mùa khô 2013-2014, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp PCCR. Đối với những khu rừng trọng điểm, khu du lịch, các di tích như chùa Hương, đền Sóc, đền Thượng, Vườn quốc gia Ba Vì… có nguy cơ cháy rừng cao, các hạt kiểm lâm cơ sở đã tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp phá rừng, gây nguy hiểm cho rừng; đồng thời, phối hợp với các địa phương củng cố lực lượng PCCR tuyến cơ sở, đầu tư trang thiết bị, chủ động xây dựng và thực hiện phương án PCCR theo phương châm "4 tại chỗ", trực ban 24/24h trong 7 tháng mùa khô. Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội còn mở hàng chục lớp tập huấn nghiệp vụ PCCR cho cán bộ, nhân dân, tổ đội xung kích, chủ rừng, lực lượng quân đội với gần 1.000 người; tổ chức 14 đợt tuyên truyền lưu động đến tận thôn, xã có rừng, dựng biển cảnh báo cháy rừng để nhắc nhở du khách chấp hành quy định PCCR; phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo tuyên truyền tới học sinh 28 trường THCS, THPT các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức và tổ chức cuộc thi viết tìm hiểu Luật Bảo vệ và PCCR... Ở khu vực rừng giáp ranh, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội tổ chức hội nghị liên kết giữa các tỉnh có rừng là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Nguyên để trao đổi kinh nghiệm, xây dựng phương án PCCR phối hợp chữa cháy kịp thời và tham gia quản lý bảo vệ rừng cho nhau.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng phòng Quản lý và bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm, hiện nay chính sách đầu tư cho cán bộ, kiểm lâm viên còn hạn chế, nhân lực quản lý, bảo vệ rừng quá mỏng nên không thể quán xuyến hết công việc. Vì vậy, biện pháp trọng tâm nhất vẫn là công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức bảo vệ rừng và PCCR đến từng người dân và chủ rừng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.