(HNM) - Hàng loạt hoạt động hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam (28-6) được tổ chức trên khắp cả nước từ ngày 25 đến 28-6 với chủ đề
Ngày gia đình Việt Nam năm nay sẽ có nhiều hoạt động mới và thiết thực. Ảnh: Bá Hoạt |
- Ông có thể chia sẻ những điểm nhấn trong chương trình hoạt động hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam năm nay, thưa ông?
- Ngày 28-6 hằng năm được lấy là ngày Gia đình Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Các hoạt động hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam năm nay được tổ chức sâu rộng tại nhiều địa bàn trên cả nước. Trong đó, có thể kể ra các hoạt động chính, bao gồm: vận động các gia đình trên toàn quốc cùng tổ chức bữa cơm gia đình vào ngày 28-6 - ngày Gia đình Việt Nam; tổ chức tọa đàm với chủ đề “Vai trò, ý nghĩa của bữa cơm gia đình đối với gia đình trẻ” (tại Hòa Bình, từ ngày 26 đến 27-6); tổ chức Ngày hội Gia đình Việt Nam thường niên từ ngày 26 đến 28-6 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội)… Đó đều là những hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, động viên cộng đồng chăm lo xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.
- Trong chùm chương trình hoạt động diễn ra tại Hà Nội, cũng có thể kể đến hoạt động tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam với những sắc thái rất riêng. Ông đánh giá thế nào về các hoạt động tại đây?
- Chương trình hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây) góp phần giới thiệu những nét văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam nói chung, vừa khắc họa những nét văn hóa gia đình mẫu hệ vùng Trường Sơn - Tây Nguyên nói riêng. Theo kế hoạch, ngay trong ngày 25-6, BQL Làng văn hóa sẽ tiến hành trang trí, trưng bày triển lãm, giới thiệu ảnh về “Truyền thống gia đình mẫu hệ và tượng điêu khắc Tây Nguyên”. Từ ngày 26 đến 28-6 sẽ có các chương trình dân ca, dân vũ, các trò chơi dân tộc, trình diễn dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ, đan gùi, tái hiện lễ cúng bến nước của các dân tộc, lễ cầu an gia đình, tái hiện một số sinh hoạt văn hóa tại bến nước Tây Nguyên, tái hiện lễ hỏi chồng của dân tộc Ê Đê… Sẽ có rất nhiều hoạt động thể hiện nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống.
- Chủ đề của ngày Gia đình Việt Nam năm nay là “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, ông có thể chia sẻ thông điệp các nhà quản lý muốn đưa ra qua chủ đề này?
- Đây là chủ đề tiếp nối chương trình hoạt động của ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2014. Điều chúng tôi muốn gửi gắm là các hoạt động của chương trình cần bắt đầu từ những việc rất cụ thể, gần gũi, gắn bó với cuộc sống hằng ngày của mỗi gia đình. Với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, các hoạt động hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam được tổ chức với ý nghĩa trân trọng những giây phút sum họp bên bữa cơm gia đình hạnh phúc, đầm ấm, nêu cao những giá trị vô giá của gia đình, đó là tình cảm của ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng, anh em. Những bài học rất cụ thể cho lứa trẻ qua mỗi bữa cơm như “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, biết mời cơm, thể hiện sự tôn kính với ông bà, cha mẹ; và ngược lại, sự săn sóc, yêu thương chăm sóc của ông bà, cha mẹ đối với con trẻ qua bữa cơm gia đình có ý nghĩa giáo dục rất thiết thực.
- Từ nay đến cuối năm, Vụ Gia đình còn tổ chức các hoạt động gì nhằm phát huy giá trị của “tế bào” xã hội trong nhiệm vụ “xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”, thưa ông?
- Sau các hoạt động của ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3), ngày Gia đình Việt Nam (28-6), chúng tôi sẽ tập trung triển khai tổ chức chiến dịch truyền thông hưởng ứng ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vào 25-11 với chủ đề “Hãy hành động để xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”. Tất cả những chương trình này đều nhằm cụ thể hóa, thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TƯ ngày 9-6-2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Bên cạnh đó, Vụ Gia đình cũng sẽ tiếp tục triển khai các đề án, chương trình thuộc Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, nhằm phát huy các giá trị tốt đep các mối quan hệ trong gia đình, hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Thông qua các chương trình, hoạt động, chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống, góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình, hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.