Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bắt đầu từ sự thuận tiện

Tuấn Kiệt| 24/04/2017 06:29

(HNM) - Hạ tầng giao thông có lẽ là bài toán khó giải nhất ở đô thị Hà Nội hiện nay. Thực tế thì Hà Nội không quá thiếu đất để làm bến hay bãi đỗ xe. Nhưng có thể thấy vấn đề quy hoạch mạng lưới giao thông, cả động và tĩnh, đều vẫn còn bộc lộ nhiều vấn đề.


Về cơ bản, ở thời điểm hiện tại, Hà Nội có 5 bến xe chính là Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Giáp Bát, Nước Ngầm, Gia Lâm. Một con số quá ít ỏi để tiếp nhận lượng hành khách khổng lồ từ các nơi đổ về. Trong khi ở nội đô, việc thiếu bãi đỗ xe, đường sá chật hẹp cũng là khó khăn lớn để giải bài toán giao thông. Mới đây, TP Hà Nội thực hiện điều chuyển một loạt xe từ Bến Mỹ Đình sang Bến Nước Ngầm. Cho đến nay việc điều chỉnh này đã tạm “ổn” dù khi mới thực hiện đã xảy ra những bức xúc gay gắt.

Thế nhưng đằng sau sự “ổn” đó vẫn ngấm ngầm có những bất ổn tồn tại. Đó là hiện tượng xe khách trá hình xe hợp đồng hoạt động tràn lan trong nội đô, vượt khỏi tầm kiểm soát của cơ quan quản lý, ảnh hưởng đáng kể đến trật tự an toàn giao thông. Nhưng, nhìn nhận kỹ lưỡng việc này có thể cũng gợi cho các nhà quản lý nhiều điều đáng suy nghĩ. Hãy đặt câu hỏi: Tại sao những bến xe lớn như Yên Nghĩa đang hoạt động dưới công suất mà xe dù, bến cóc lại tấp nập?

Hãy bắt đầu từ việc quy hoạch bến xe. Theo đề án Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì Hà Nội sẽ có 22 bến xe khách liên tỉnh. Trong đó khu vực phía Bắc sông Hồng có 4 bến, gồm 3 bến xây dựng mới; khu vực phía Nam sông Hồng có 7 bến, gồm 3 bến mới; khu vực đô thị vệ tinh xây dựng 8 bến mới. Ngoài ra còn 3 bến sẽ quy hoạch cho giai đoạn trung hạn. Nhưng đến nay mới hoàn thành xây dựng Bến xe Yên Nghĩa và mở rộng Bến xe Mỹ Đình. Đã có dự án bị chuyển đổi mục đích sử dụng, điển hình là dự án Bến xe Gia Thụy. Còn thực tế, mạng lưới bến xe đang nhiều bất ổn, bến xe thường được đưa ra đường Vành đai 4, cách biệt với nhà ga, điểm trung chuyển xe buýt nên thiếu kết nối, gây khó khăn cho hành khách.

Vẫn biết, quy hoạch phải có tính lâu dài, nhưng nếu nhìn xa quá mà không tính đến trước mắt thì khó khăn là điều dễ gặp. Ví như việc đưa bến xe ra xa trung tâm, nhưng lại chưa tổ chức tốt hệ thống kết nối, trung chuyển nên người dân chưa hào hứng. Thay vì đi đúng bến với nhiều bất tiện, người dân chọn xe dù, chọn bến cóc, vừa không mất thời gian vừa đỡ tốn thêm chi phí. Hoặc họ sử dụng phương tiện cá nhân. Như vậy cũng là lợi bất cập hại.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu TP Hà Nội rà soát các quy hoạch giao thông vận tải theo hướng đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; tập trung đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối khu vực nội đô với ngoại thành và các đô thị vệ tinh; chú trọng đầu tư xây dựng các nút giao thông kết nối các bến xe, bãi để xe... Có thể thấy đây là hướng đi đúng, bởi chỉ khi chúng ta đồng bộ được hạ tầng, tại các cụm đô thị, các điểm trung tâm từng khu vực được bố trí đủ bãi đỗ xe, bến xe buýt, bến taxi để hành khách nối chuyến và chuyển tiếp thuận tiện thì mới khuyến khích được họ đi đúng bến.

Để tổ chức giao thông vận tải, chúng ta có thể dùng đến các mệnh lệnh hành chính để cấm, để phạt. Tuy nhiên, cái khó nhiều khi bắt nguồn từ ý thức người dân, nhưng cũng có khi đến từ phía nhà quản lý. Sẽ là hiệu quả nhanh nhất nếu chúng ta đem lại những tiện ích thiết thực, sự thuận tiện cho người dân. Khi đó người dân sẽ tự cân nhắc lợi ích để biết mình nên lựa chọn sử dụng cái gì... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắt đầu từ sự thuận tiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.