(HNMO) – Sáng 12/9, tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Trường Đại học Quốc gia Việt Nam đã ký kết dự án phát triển công nghệ xanh để sản xuất diesel sinh học tại Việt Nam.
.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt dự án “Giải pháp nhiều lợi ích để giảm thiểu biến đổi khí hậu tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á bằng quá trình phát triển năng lượng sinh khối” trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa JICA và Cơ quan thúc đẩy Khoa học Công nghệ của Nhật Bản gọi là “Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ để phát triển bền vững” - “Science and Technology Research Partnership for Sustainable Development (SATREPS). Tổng chi phí cho dự án này vào khoảng 5 triệu đô la Mỹ. Dự án này nhằm xây dựng một chu trình năng lượng sinh khối siêu việt cả về mặt kinh tế và môi trường (trồng cây lấy nguyên liệu – sản xuất – tiêu thụ). Dự án cũng hướng tới việc thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi chu trình này trên thế giới.
Các hoạt động hợp tác nghiên cứu của dự án sẽ được tiến hành trong 5 năm (từ tháng 10 năm 2011 đến năm 2016) với những mục tiêu cụ thể như: trồng cây để lấy dầu và một số loài thực vật khác trên những vùng đất hoang hóa và vùng đất bị ô nhiễm; phát triển công nghệ xanh để sản xuất diesel sinh học và xây dựng những phương pháp quan trắc môi trường mới nhất cho quá trình sử dụng diesel sinh học.
Tham gia dự án gồm 5 nhóm các nhà khoa học Nhật Bản và Việt Nam từ các Trường đại học của tỉnh Osaka, Trường đại học của Thành phố Osaka, Trường đại học Ehime, Trường đại học quốc gia Việt Nam tại Hà Nội và tại TP Hồ Chí Minh cũng như Viện Công nghệ Môi trường.
Giáo sư Yasuaki Maeda thuộc trường Đại học tỉnh Osaka giải thích về quá trình sản xuất xanh của diesel sinh học: “Diesel sinh học sẽ được sản xuất từ nguyên liệu là dầu không ăn được của các cây địa phương bằng công nghệ xanh. Diesel sinh học là loại nhiên liệu sạch thay thế được sản xuất từ các nguồn tái tạo 100% và không tạo ra khí thải gây ô nhiễm không khí như các loại nhiên liệu thông thường. Ngoài ra, Diesel sinh học được coi là một giải pháp cân bằng carbon, tức là lượng CO2 thải ra khi đốt Diesel sinh học đúng bằng lượng CO2 mà loài cây nguyên liệu hấp thụ trong quá trình sinh trưởng. Sử dụng Diesel sinh học sẽ không tạo ra lượng CO2 thừa gây hiệu ứng nhà kính, vì thế sẽ có tác dụng giảm bớt hiện tượng nóng lên toàn cầu và giảm tác động của biến đổi khí hậu.”
Theo ông Motonori Tsuno, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam: “Dự án sẽ xem xét lợi ích nhiều mặt của việc sử dụng Diesel sinh học để phổ biến tới các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tôi hy vọng thông qua các hoạt động của dự án, chúng ta có thể xây dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.