(HNMO) – Hình ảnh một cô bé 3 tuổi bị bắt cóc đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội ở Trung Quốc, nhờ đó mà gia đình tìm được em. Sự việc sau đó đã làm dấy lên làn sóng tìm kiếm hàng nghìn trẻ em mất tích thông qua các chiến dịch truyền thông xã hội tại nước này.
Hình ảnh lấy từ camera an ninh được cảnh sát Trung Quốc đăng tải, trong đó có cảnh người phụ nữ đang bắt cóc bé gái 3 tuổi. |
Vào tuần trước, hình ảnh lấy từ camera an ninh đã nhanh chóng lan truyền rộng rãi trên mạng sau khi cảnh sát công bố và đăng tải chúng trên Weibo. Hình ảnh cho thấy một phụ nữ lạ mặt đang dắt trong tay một bé gái không phải con mình.
Trước đó, cô bé đang đi bộ cùng ông ở Quảng Đông, phía Nam Trung Quốc thì gặp người phụ nữ này xin ăn. Khi người ông đi mua cho bà ta ít đồ ăn, bà ta đã mang cô bé biến mất.
“Tôi không thể tìm được cháu gái, tôi cảm thấy chỉ muốn nhảy xuống sông cho rồi”, người ông nói.
Bức ảnh đã dấy lên sự phẫn nộ cũng như hồi chuông cảnh tỉnh trong dư luận.
“Trái tim tôi đau nhói. Chúng ta phải tìm và mang cô bé về nhà”, một người chia sẻ trên mạng. Ngay sau đó, dòng hashtag “Hỏi xin ăn, rồi bắt cóc trẻ nhỏ” đã được phát tán nhanh chóng trên mạng.
“Những kẻ buôn người đáng bị lãnh án tử hình”, một người dùng mạng xã hội khác lên tiếng. Đây là ý kiến được nhiều người ủng hộ ở Trung Quốc. Theo luật Trung Quốc, loại tội danh này hiện nay chỉ bị phạt ngồi tù trong vòng 10 năm.
May mắn là bé gái 3 tuổi nói trên đã được cảnh sát tìm thấy và trở về an toàn với gia đình. Mặc dù vậy, sự phẫn nộ của cộng đồng mạng thì chưa hề nguôi ngoai.
Bắt cóc trẻ em là vấn nạn phổ biến ở Trung Quốc. Khó mà nói ra một con số chính xác, tuy nhiên theo Bộ Ngoại giao Mỹ, có khoảng 20.000 trẻ em bị bắt cóc ở quốc gia này (cao gấp 10 lần so với con số được công bố trên truyền thông).
Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có nhiều trẻ em bị mất tích ở quốc gia này đến vậy?
Có một thị trường đen “béo bở”, nơi hầu hết trẻ em bị bán để làm con nuôi. Một bé gái có thể được bán với giá lên tới 50.000 nhân dân tệ (khoảng 8000 USD). Bé trai được bán với giá gấp đôi, đó là bởi nhu cầu cần con trai để duy trì gia đình và phụng dưỡng cha mẹ khi về già.
Cũng có những trường hợp bắt cóc trẻ em từ những nhà giàu có để đòi tiền chuộc, hoặc tổ chức những nhóm ăn xin chuyên nghiệp để đi kiếm ăn ngoài đường. Chỉ một số em may mắn tìm được đường về nhà, còn lại phần lớn không thể trở về với gia đình.
Sau vụ tìm được bé gái 3 tuổi, hiện hàng trăm ngàn người đang cố gắng tìm lại con hoặc tìm bố mẹ của những đứa trẻ bị bắt cóc thông qua mạng xã hội và các chiến dịch truyền thông.
Cha mẹ đăng ảnh con bị mất tích trên trang web của "Baby Come Home". |
Đáng chú ý, chiến dịch lớn nhất “Baby Come Home” có khoảng gần 350.000 người theo dõi trên Weibo và một trang web, tại đó mọi người có thể đăng tải các hình ảnh trong các mục khác nhau. Giờ đây, với mạng lưới kỹ thuât số “Baby Come Home”, những đứa trẻ mất tích có thể có cơ hội lớn hơn để được đoàn tụ với cha mẹ.
Kerry Allen, một chuyên gia về Trung Quốc cho biết: “Mạng truyền thông xã hội có thể là một công cụ đắc lực để kết nối lại liên lạc giữa cha mẹ và những đứa trẻ”. Các chiến dịch truyền thông sẽ hiệu quả hơn nữa trong bối cảnh ngày càng có nhiều người sử dụng điện thoại thông minh (gần tới 50% dân số). Nhiều người sử dụng điện thoại thông minh, cũng có nghĩa là sẽ có nhiều camera hơn, và khả năng chia sẻ thông tin về trẻ em mất tích cũng sẽ được tăng cường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.