Giao thông

Bất cập đèn tín hiệu giao thông: Cần điều chỉnh khoa học, hợp lý

Nhóm phóng viên 11/07/2023 - 06:45

Lâu nay, tại nhiều nút giao đã được lắp đặt đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội tồn tại tình trạng ùn tắc kéo dài. Nguyên nhân là do việc cài đặt đèn tín hiệu giao thông còn bất cập, thiếu khoa học, rất cần sớm được điều chỉnh, bảo đảm khoa học, hợp lý hơn.

Bất cập do... “đèn đỏ dài, đèn xanh ngắn”

Là tuyến đường “huyết mạch” ra, vào cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, trục Cầu Giấy - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu… có lưu lượng người và phương tiện qua lại đông đúc vào tất cả các giờ trong ngày. Nhưng lâu nay, nút giao cắt từ đường Cầu Giấy rẽ trái sang Khúc Thừa Dụ luôn gây bức xúc cho nhiều người tham gia giao thông và cũng là nguyên nhân chính khiến ngã tư này thường xuyên rơi vào ùn tắc.

Thực tế, chiều đường từ Cầu Giấy rẽ trái sang đường Khúc Thừa Dụ, đèn đỏ hiển thị 99 giây nhưng đèn xanh chỉ được cài đặt vẻn vẹn 20 giây khiến dòng phương tiện chưa kịp lưu thoát đã phải dừng chờ đèn đỏ. Trong khi lòng đường tại đây chật hẹp, chỉ đủ cho 3 làn xe, khiến cả đoạn đường thường xuyên rơi vào ùn ứ.

Lâu nay, nút giao cắt từ đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Ngọc Vũ - Nguyễn Khang luôn gây bức xúc cho người tham gia giao thông. Vào giờ cao điểm, nhiều phương tiện phải “chôn chân” chờ 5-7 nhịp đèn mới thoát được nút giao cắt. Trong khi đó, hệ thống đèn tín hiệu tại ngã tư này chỉ nằm cách hệ thống đèn tín hiệu tại ngã tư Trần Duy Hưng - đường Láng - Nguyễn Chí Thanh vẻn vẹn khoảng 40m. Do nằm quá gần nhau, cộng với thời lượng của tín hiệu đèn điều khiển giao thông bất hợp lý nên cảnh ùn tắc diễn ra thường xuyên tại đây. Tại cả hai nút giao cắt, hệ thống đèn tín hiệu đều được lắp đặt với thời gian chờ đèn đỏ 80-90 giây trong khi đèn xanh chỉ 30 giây.

Một điểm giao cắt khác luôn là điểm nóng về ùn tắc và gây ức chế với người tham gia giao thông là ngã tư Xuân La - Võ Chí Công. Anh Trịnh Xuân Dũng, một người dân thường xuyên qua lại tuyến đường này cho biết: “Tuyến đường Xuân La thường xuyên ùn tắc do đèn xanh cài đặt quá ngắn, trong khi thời gian chờ đèn đỏ dài gấp 5 lần. Lòng đường Võ Chí Công vốn rộng, phương tiện vừa đi ra giữa đường đã xung đột với làn phương tiện rẽ trái từ hướng Võ Chí Công sang nên nhiều lúc đang đèn xanh mà hai chiều đường đều tắc cứng”.

Trên đây chỉ là những ví dụ điển hình trong rất nhiều các điểm ùn tắc vào giờ cao điểm tại hàng loạt tuyến đường trên địa bàn thành phố, mà nguyên nhân chính từ việc hệ thống đèn tín hiệu giao thông được thiết lập thiếu khoa học, “đèn đỏ dài, đèn xanh ngắn”.

Cần ứng dụng giải pháp giao thông thông minh

Trước thực trạng cài đặt đèn tín hiệu tại một số nút giao hiện nay còn bất cập, chưa hợp lý, Trung tá Phạm Quang Minh, Phó đội trưởng Đội chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, hiện có hơn 600 camera giao thông các loại được lắp đặt tại hơn 500 nút giao thông, song chỉ có trên 100 camera toàn cảnh. Hệ thống camera chưa có độ phủ tại tất cả các nút giao trên toàn thành phố khiến lực lượng Cảnh sát giao thông khó nắm được toàn bộ tình hình giao thông chung.

Mặt khác, hiện thành phố chưa được lắp đặt hệ thống điều khiển giao thông thông minh. Toàn bộ hệ thống đèn tín hiệu giao thông được vận hành và thiết lập trên các chu kỳ cố định theo những khung giờ cao điểm sáng - trưa - chiều, giờ ban đêm, giờ thấp điểm, do đó thiếu đi tính linh hoạt so với tình hình giao thông thực tế.

Bên cạnh đó, mỗi ca trực của Trung tâm Điều khiển giao thông chỉ có 5 cán bộ nhưng phải bao quát toàn bộ tình hình giao thông tại tất cả các nút giao, trục đường có lắp đặt camera trên địa bàn toàn thành phố. Lực lượng mỏng, ngoài việc điều phối nhịp đèn tín hiệu, mỗi ca trực cán bộ của trung tâm còn phải giải quyết khối lượng công việc khổng lồ liên quan đến an ninh trật tự, sự cố bất ngờ, tai nạn giao thông, phối hợp cùng các đơn vị trên địa bàn để điều phối giao thông tại chỗ…

Cũng theo Trung tá Phạm Quang Minh, để khắc phục những bất cập của hệ thống điều khiển giao thông của thành phố, Phòng Cảnh sát giao thông đang tiến hành nâng cấp Trung tâm Điều khiển giao thông, qua đó sẽ mở rộng hệ thống camera giao thông tại các tuyến đường, trục giao thông chính của thành phố.

Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội đang tiệm cận mô hình đô thị hiện đại. Do đó, vấn đề mấu chốt là phải ứng dụng giải pháp giao thông thông minh.

“Trong tương lai không xa, sẽ có hệ thống camera đo đếm, nhận diện mật độ phương tiện từ các chiều đường, hướng vào nút giao. Hệ thống điều khiển giao thông tự động ứng dụng trí tuệ nhân tạo được lắp đặt tại các nút giao thông sẽ tự động tính toán và điều chỉnh nhịp đèn tùy thuộc vào mật độ phương tiện di chuyển tại mỗi hướng, hướng nào đông hơn sẽ được ưu tiên”, Thiếu tá Đào Việt Long khẳng định.

Hiện ở Việt Nam, đã có nhiều đơn vị sẵn sàng cung cấp các giải pháp giao thông thông minh. Hy vọng trong tương lai không xa, thành phố Hà Nội và các cơ quan quản lý sẽ quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống điều khiển giao thông theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tổ chức giao thông ngày càng tốt hơn. Song trước mắt, Trung tâm Điều khiển giao thông cần thường xuyên kiểm tra, nắm bắt thực trạng giao thông tại các tuyến đường để bảo đảm hệ thống đèn tín hiệu phát huy tác dụng, giúp tổ chức giao thông khoa học, hợp lý và an toàn cho người tham gia giao thông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bất cập đèn tín hiệu giao thông: Cần điều chỉnh khoa học, hợp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.