(HNM) - Nhằm giảm ùn tắc giao thông tại các khu vực thi công dự án trọng điểm, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã tăng cường lực lượng phân luồng, điều tiết giao thông; đồng thời đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, thu hẹp rào chắn... Về phía các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
17 điểm ùn tắc do rào chắn thu hẹp lòng đường
Nhiều tháng qua, người dân lưu thông qua khu vực thi công cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) rất vất vả. Quanh khu vực thi công cầu vượt này có nhiều trường học, trung tâm thương mại và tòa nhà văn phòng.
“Để phục vụ thi công dự án trọng điểm này, nhà thầu rào chắn khoảng 1/3 đường Phạm Ngọc Thạch và Chùa Bộc. Lưu lượng người và phương tiện trên tuyến đông, trong khi việc thi công chậm chạp khiến khu vực này trở thành điểm nóng về ùn tắc vào các khung giờ cao điểm”, chị Nguyễn Phương Mai (khu tập thể Kim Liên, quận Đống Đa) cho biết.
Nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch chỉ là một trong nhiều điểm ùn tắc trên địa bàn Thủ đô có nguyên nhân từ việc rào chắn phục vụ thi công gây thu hẹp lòng đường. Theo thống kê của liên ngành (Sở Giao thông - Vận tải và Công an thành phố Hà Nội), trong tổng số 37 điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô, có tới 17 điểm do rào chắn thi công những dự án giao thông trọng điểm.
Có thể kể tên như khu vực đầu cầu Vĩnh Tuy phía quận Hai Bà Trưng (rào chắn phục vụ dự án cải tạo đường dẫn từ Nguyễn Khoái lên cầu Vĩnh Tuy); nút giao Liễu Giai - Đào Tấn (rào chắn phục vụ thi công ga ngầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội); tuyến đường Âu Cơ - Nghi Tàm - Xuân Diệu (rào chắn phục vụ dự án xây dựng cầu vượt đường An Dương - Thanh Niên giai đoạn 2); đường Nguyễn Xiển đoạn từ Nguyễn Trãi đến đường bao quanh Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An (phục vụ thi công Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá)…
Trước tình hình ùn tắc giao thông nghiêm trọng, các sở, ngành, địa phương đã tăng cường lực lượng phân luồng, điều tiết giao thông; điều chỉnh tổ chức giao thông; lắp đặt bổ sung đèn tín hiệu giao thông... Thậm chí trên đường Nguyễn Xiển, cơ quan chức năng phải xén dải phân cách giữa mở một làn đường tạm, mặt cắt ngang khoảng 5-6m hướng từ ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển đến ngã tư Nguyễn Xiển - Chu Văn An cho ô tô, xe máy, xe thô sơ lưu thông.
Khẩn trương thi công, sớm hoàn trả mặt đường
Trước tình trạng rào chắn phục vụ thi công công trình ảnh hưởng đến việc lưu thông của phương tiện, đại diện chủ đầu tư, nhà thầu đều đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Tại dự án xây dựng cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, Trưởng phòng thực hiện dự án 1 (Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội) Bùi Minh Cường cho biết, đến thời điểm này, nhà thầu đã hoàn thành kết cấu phần dưới (bao gồm các mố, trụ).
Với kết cấu phần trên, nhà thầu đã lắp dựng xong 9/9 nhịp dầm thép, đổ bê tông bản mặt cầu 250/320m, lắp dựng 45/620m bờ bo lan can. Dự kiến đến ngày 10-5 sẽ hoàn thành đổ bê tông bản mặt cầu; ngày 10-6 hoàn thành lắp bờ bo, lan can thép và hệ thống chiếu sáng, thoát nước trên cầu; ngày 20-6 hoàn thành thử tải, trồng cây xanh, thảm bê tông nhựa asphalt... để đến ngày 25-6 hoàn thiện, thông xe đưa công trình vào sử dụng.
Đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án cũng đang là quyết tâm của các nhà thầu dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Ngay trong thời điểm cả nước nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua, hơn 200 kỹ sư, công nhân vẫn bám sát công trường, thi công xuyên lễ, phấn đấu hoàn thành dự án vào dịp 2-9-2023.
Với mục tiêu trong năm 2023 giải quyết dứt điểm từ 8 đến 10 điểm ùn tắc giao thông, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho hay, Sở đang tiếp tục phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị liên quan theo dõi, đánh giá những phương án tổ chức giao thông tại các trục, tuyến đường và nút giao thông đã và đang thực hiện dự án. Đồng thời, Sở tiếp tục phối hợp với các đơn vị chủ đầu tư, tổ chức giao thông phục vụ thi công, bảo đảm tiến độ triển khai những dự án giao thông trọng điểm như: Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, dự án hầm chui nút giao Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng…
Với từng vị trí rào chắn, bên cạnh tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đều yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt trong giờ cao điểm. Bên cạnh đó, đôn đốc các đơn vị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và điều chỉnh rào chắn theo tiến độ thi công nhằm hạn chế ảnh hưởng tới người và phương tiện tham gia giao thông. Với các hạng mục đã hoàn thành, yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu khẩn trương thu hồi rào chắn trả lại mặt đường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.