Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bắt bệnh, bốc thuốc

Linh Nhi| 07/08/2010 07:19

(HNM) - 70% dân số nước ta sống ở nông thôn, nhưng mạng lưới bán lẻ chỉ phục vụ được 47% và mức tiêu dùng của lực lượng dân số này chỉ chiếm 27% doanh số bán lẻ trên cả nước, trong khi đó, việc nhập siêu của Việt Nam ngày càng lớn, khiến cán cân thương mại mất cân đối lên tới 10 tỷ USD/năm. Làm thế nào để hàng Việt có chỗ đứng trong lòng người Việt? Đó là câu hỏi cần lời giải và cũng là chủ đề của buổi tọa đàm diễn ra sáng 6-8 tại Khách sạn Hà Nội Horison. Cuộc tọa đàm này thu hút đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp (DN) trong cả nước tham gia.

Người dân mua sản phẩm của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội tại Hapromart Thành Công. Ảnh: Bảo Kha

Những chuyển biến bước đầu…
Thực hiện cuộc vận động (CVĐ) của Bộ Chính trị "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", năm qua các DN Việt đã thực sự vào cuộc để hàng Việt Nam dần khẳng định chỗ đứng trong lòng người Việt. Xác định rõ chủ trương này đồng nghĩa với việc phát huy tính tự lực tự cường trong sản xuất kinh doanh cũng như đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng, các DN ra sức xây dựng kế hoạch, chiến lược cụ thể, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh với tiêu chí hàng hóa bảo đảm chất lượng và giá cả cạnh tranh.

Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ở mỗi loại hình khác nhau, các DN đã lựa chọn phương thức riêng làm đòn bẩy cho sự phát triển, từng bước tạo chỗ đứng vững chắc ngay "trên sân nhà". Không ít DN mạnh dạn đầu tư đổi mới trang thiết bị sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Điển hình trong số các doanh nghiệp đó có Tổng Công ty cổ phần May Nhà Bè (NBC). Bí quyết để NBC vươn lên trở thành một trong những thương hiệu thời trang hàng đầu Việt Nam là chú trọng đầu tư 13 nghìn máy móc thiết bị chuyên dụng, hiện đại của Nhật, Italia, mỗi tháng xuất ra thị trường 5 triệu sản phẩm. DN đã mạnh dạn mở rộng thị trường với 200 đại lý, cửa hàng phủ kín khắp cả nước và có mức tăng trưởng ổn định là 20%. Còn Công ty cổ phần Pico lựa chọn phương châm "Con đường mòn không dẫn đến vùng đất mới". Theo ông Hoàng Học Hải, Giám đốc DN, bên cạnh việc liên tục mở rộng thị trường với chuỗi siêu thị phân phối bán lẻ tại 14 quận, huyện nội, ngoại thành của Hà Nội, công ty chú trọng xây dựng đội ngũ nhân sự năng động, nhiệt tình. Các nhà phân phối cũng tích cực tham gia thực hiện CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp HTX thương mại TP Hồ Chí Minh (Sài Gon CO.OP) mang đến tọa đàm một kinh nghiệm hay, đó là chủ động giúp đỡ thủ tục cho DN có hàng hóa bảo đảm chất lượng muốn tham gia hệ thống phân phối của Sài Gon CO.OP…

Và những bất cập cần nhanh chóng tháo gỡ
Thời gian qua, CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được tuyên truyền sâu rộng, góp phần thay đổi ý thức và nhận thức của người tiêu dùng, đặc biệt ở những vùng thôn quê, vùng sâu, vùng xa. Bộ Công thương với vai trò Ban chỉ đạo CVĐ đã phối hợp với các cơ quan truyền thông nâng cao ý thức, nhận thức của cả người tiêu dùng và DN về chủ trương này. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã rà soát việc tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách pháp luật, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, khảo sát, quản lý thị trường... nhằm giúp DN "gỡ rối" khi thực hiện.

Sản phẩm nhựa của HTX CN Song Long được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: Linh Tâm

Hiện nay, ở đô thị, hàng Việt Nam chất lượng cao được bày bán ngày càng nhiều và thu hút được người tiêu dùng bằng chất lượng và giá cả. Thị trường nông thôn từ chỗ chỉ có 35 DN tham gia đưa hàng Việt về khu vực này, sau một năm đã có hàng trăm DN tham gia, tuy nhiên phần nhiều trong số đó đều mang tính chất thử nghiệm.

Trên thực tế, các DN Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng với mong muốn chiến thắng “trên sân nhà". Người tiêu dùng cũng đã có chuyển biến mạnh trong ý thức, tâm lý sính ngoại của một bộ phận được đẩy lùi, phong cách tiêu dùng mới dần được hình thành. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, để hàng Việt thực sự chiếm lĩnh thị trường nội địa còn là con đường gian nan và đầy trở ngại. Ông Đỗ Gia Phan (Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) phân tích: Có hai vấn đề khiến chủ trương người Việt dùng hàng Việt chưa có được hiệu quả cao. Đó là một số DN quảng cáo khuyến mại sản phẩm, nhưng thực chất để tiêu thụ hàng ế, kém chất lượng hoặc sắp hết hạn sử dụng; nhiều cửa hàng trưng biển quảng cáo giảm giá, nhưng mục đích để "đẩy" hàng tồn kho, lỗi, xấu, thậm chí để bán với giá cao hơn, khiến người dân mất lòng tin. Bên cạnh đó, tập quán của người Việt Nam tiện đâu mua đó, nhiều người chỉ mua hàng giá rẻ, không quan tâm nguồn gốc xuất xứ hoặc chất lượng, dù biết đó là hàng nhái, hàng giả.

Ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế tài chính đề xuất, để thúc đẩy tiêu thụ hàng nội địa, vấn đề mua sắm tài sản công phải được quan tâm, Chính phủ phải có quy định rõ về việc ưu tiên sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước và mua sắm của các cơ quan, bộ, ban, ngành trực thuộc từ TƯ đến địa phương. Bà Phạm Thị Loan, đại biểu QH, Ủy viên Ủy ban Tài chính và ngân sách của QH thẳng thắn: Một số năm gần đây, việc nhập siêu của Việt Nam ngày càng cao, thậm chí trong các mặt hàng nhập khẩu có cả muối, tăm tre... Sức ép lấn sân thị trường nội địa rất lớn. "Các nhà lãnh đạo cần có thái độ rõ ràng để ủng hộ hàng Việt Nam, DN Việt Nam. Với chính sách sử dụng nguồn vốn đầu tư cho DN trong nước, làm sao để các DN tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Từ năm 2005 về trước, cơ chế chính sách này được thực hiện hiệu quả, sau đó đến nay, cơ chế có vẻ không thuận lợi cho DN..." - bà Loan nhấn mạnh.

Rõ ràng mục tiêu "Để hàng Việt có chỗ đứng trong lòng người Việt" tuy đã có kết quả bước đầu, nhưng để hàng nội thực sự chiếm lĩnh được thị trường trong nước thì còn là cả một chặng đường dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắt bệnh, bốc thuốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.