Khu Nam thành phố Hồ Chí Minh gồm những khu dân cư đông đúc của quận 7 và huyện Nhà Bè, nhưng hạ tầng giao thông đang không theo kịp sự phát triển của xã hội, thường xuyên ách tắc.
Hầm chậm, cầu thiếu
Hầm chui Nguyễn Văn Linh tại giao lộ với đường Nguyễn Hữu Thọ là nút giao thông được mong chờ nhất của người dân vùng đô thị quận 7 và khu đô thị rộng lớn bên xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Ngã tư này vốn là nơi giao cắt của hai trục đường lớn Đông - Tây và Bắc - Nam vùng phía Nam thành phố Hồ Chí Minh, nên thường xuyên quá tải phương tiện giao thông, dẫn tới ùn tắc.
Để giải quyết vấn đề này, từ tháng 4-2020, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) thành phố Hồ Chí Minh đã khởi công xây dựng hầm chui qua nút, chạy dọc đường Nguyễn Văn Linh hướng từ khu cảng biển và khu chế xuất Tân Thuận của quận 7 đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Hầm chui có quy mô 2 đường hầm ở 2 chiều đường, tổng chiều dài mỗi hầm khoảng 456m, mặt cắt ngang bảo đảm 3 làn xe với kết cấu bằng bê tông cốt thép, tĩnh không hầm 4,75m, phần hầm kín dài 98m, phần hầm hở dài hơn 350m, độ tĩnh không thông xe dưới hầm là 4,75m. Vận tốc thiết kế 60km/h đối với phần hầm và 30km/h đối với các nhánh vào nút giao. Công trình dự kiến hoàn thành trong quý IV-2023 và được kỳ vọng sẽ khắc phục triệt để tình trạng kẹt xe tại giao lộ này.
Tuy nhiên, tính đến giữa tháng 10-2023, công trình mới đạt hơn 40% khối lượng xây lắp. Theo Ban Giao thông, hiện tiến độ công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (như điện, nước) vẫn chậm hơn rất nhiều so với dự kiến vì trong quá trình thi công bị vướng một số hạ tầng kỹ thuật hiện hữu như ống cấp nước, cống thoát nước, hệ thống trụ điện trung thế, cây xanh… cần phải phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý.
Trong đó, khó khăn lớn nhất là nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật như cáp điện ngầm cao thế 220kV, hệ thống các tuyến cáp viễn thông, hệ thống các tuyến ống cấp nước… của nhiều đơn vị chủ quản. Vì thế, công tác phối hợp thỏa thuận thống nhất phương án di dời và phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán chi phí bồi thường di dời, tái lập mất rất nhiều thời gian.
Chị Vũ Phương Nhi, cư dân chung cư Hoàng Anh 3 tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, chia sẻ: "Tôi làm bên quận 4, cách nhà 4km, nhưng có buổi sáng phải mất gần 1 tiếng đồng hồ mới qua được nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, rồi mất hơn 30 phút để qua cầu Kênh Tẻ dài khoảng 700m để đến nơi làm. Đây là 2 điểm thường xuyên ách tắc giao thông trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ nối Nhà Bè qua quận 7 vào trung tâm thành phố".
Cầu Kênh Tẻ mà chị Nhi nhắc đến là 1 trong 3 cây cầu nhỏ nối khu dân cư rộng lớn ở phía Nam thành phố Hồ Chí Minh với khu trung tâm. Do cầu nhỏ, lưu lượng phương tiện giao thông lớn, nên chỉ cần một va chạm nhỏ cũng gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng.
Mong chờ "đột biến"
Các cấp, các ngành của thành phố Hồ Chí Minh cũng nắm rất rõ vấn đề hạ tầng giao thông khu vực này, nên đã triển khai các dự án lớn, nhằm giải quyết căn bản tình hình. Tuy nhiên, giữa mong muốn và hiện thực, vẫn đang còn khoảng cách.
Với hầm chui Nguyễn Văn Linh, từ đầu năm 2023, thành phố đã xác định là 1 trong 33 công trình, dự án giao thông trọng điểm cần quyết liệt triển khai trong năm 2023. Thực hiện mục tiêu này, chủ đầu tư đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan di dời hạ tầng kỹ thuật để nhà thầu có mặt bằng thi công với quyết tâm đưa dự án vào sử dụng đúng tiến độ như cam kết.
Đối với hạng mục di dời tuyến cáp điện cao thế 220kV, cơ quan hữu quan đang tổ chức thi công, dự kiến cuối tháng 11-2023, sẽ bàn giao mặt bằng để thi công tiếp các hạng mục thuộc nhánh hầm chui HC2. Đối với gói thầu di dời các đường ống cấp nước D600, D300, D150, đã triển khai thi công được hơn 2 tháng và dự kiến hoàn tháng trong tháng 12-2023.
Theo Ban Giao thông, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất điều chỉnh mốc thời gian hoàn thành, dự kiến thông xe nhánh hầm 2 cuối tháng 4-2024 và nhánh hầm 1 tháng 12-2024. Hiện, các đơn vị thi công và chủ đầu tư đang khắc phục tình trạng ngập đọng nước tại khu vực thi công hầm chui trong mùa mưa để bảo đảm an toàn thi công, vừa không gây cản trở giao thông trong khu vực, vừa đẩy nhanh tiến độ công trình.
Với hệ thống cầu bắc qua kênh Tẻ nối khu Nam với trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, ngoài việc mở rộng mặt cầu kênh Tẻ từ 14 lên 16,5m tăng lưu lượng phương tiện thông qua, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh còn dự kiến xây dựng cầu Nguyễn Khoái có tổng chiều dài 1.000m, rộng là 22,5m, bắt đầu từ đường D1 khu dân cư Him Lam (quận 7) nối sang đường bến Vân Đồn (quận 4) và chạy đến tận đường Võ Văn Kiệt (quận 1), dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng.
Sở Giao thông Vận tải đã đề xuất Sở Kế hoạch - Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cân đối bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án, báo cáo UBND thành phố để trình HĐND thành phố Hồ Chí Minh thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm 2023. Sau khi được thông qua, các đơn vị sẽ thực hiện các phần việc theo quy định để khởi công trong năm 2025 và hoàn thành vào năm 2026.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.