(HNM) - Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên công tác bảo vệ môi trường chưa tương xứng với mức độ gia tăng ô nhiễm.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân chung sức tham gia hoạt động bảo vệ môi trường để hài hòa giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, giữa lợi ích thế hệ hiện tại và lợi ích thế hệ tương lai…
Xung quanh những vấn đề này, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Truyền thông môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - Thạc sĩ Nguyễn Việt Dũng.
- Theo ông, để tạo sự đồng thuận giữa cơ quan quản lý nhà nước với toàn dân về bảo vệ môi trường nên bắt đầu từ đâu?
- Nên bắt đầu từ cả hai phía - cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách phù hợp thì khi triển khai mới có hiệu quả. Nhân dân thì phải xác định công tác bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mình, từ đó hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp về bảo vệ môi trường. Trong quá trình triển khai, người dân phải đóng vai trò là cơ quan giám sát phản ánh những bất cập, chưa hợp lý cho các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là chính quyền địa phương cần phải sâu sát, nắm tình hình tốt để có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế.
Trồng cây xanh là biện pháp tích cực cải thiện môi trường. Ảnh: Bá Hoạt |
- Nên làm thế nào để mọi người cùng hưởng ứng bảo vệ môi trường?
- Trách nhiệm của mọi người là yếu tố đầu tiên, nếu mọi người coi việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm và cần thiết thì sẽ tự giác hưởng ứng và tự nguyện tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để có được điều này thì công tác tuyên truyền vận động phải được thực hiện thường xuyên. Trong lĩnh vực này rất cần sự vào cuộc của các cơ quan báo chí và các tổ chức chính trị - xã hội và sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương.
Hiện nay công tác bảo vệ môi trường đang dựa rất nhiều vào cộng đồng và chính cộng đồng đang là nhân tố quan trọng giúp công tác bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, việc tham gia của các tổ chức, cộng đồng chưa thực sự thành phong trào "toàn dân tham gia bảo vệ môi trường", do đó trong thời gian tới chúng ta cần có những cách thức tuyên truyền vận động, tập hợp các hoạt động này thành phong trào, như thế sẽ thu hút tốt hơn sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường.
- Có nên để thanh niên là lực lượng chủ chốt kết nối cơ quan nhà nước và toàn dân trong việc bảo vệ môi trường?
- Vai trò của các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong công tác bảo vệ môi trường là rất quan trọng. Trong những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký và triển khai rất hiệu quả các nghị quyết liên tịch đối với các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể trong đó có thanh niên. Thanh niên với lực lượng hùng hậu và tích cực trong các hoạt động xã hội, trong đó có bảo vệ môi trường. Nếu thanh niên tham gia các hoạt động kết nối và huy động cộng đồng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho các cơ quan quản lý nhà nước.
- Tại sao lại phải có đồng thuận giữa cơ quan quản lý nhà nước với toàn dân về bảo vệ môi trường?
- Như đã nêu ở trên, sự đồng thuận giữa cơ quan quản lý nhà nước với toàn dân chính là chìa khóa tạo nên sự thành công. Các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường muốn đi vào cuộc sống và nhận được sự hưởng ứng của toàn dân thì phải có sự đồng thuận giữa cơ quan quản lý nhà nước với toàn dân.
Một trong những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 là vai trò của cộng đồng và của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác bảo vệ môi trường đã được nâng lên một bước cơ bản. Cộng đồng dân cư đóng vai trò giám sát, phản biện và tham vấn đối với các chủ trương, chính sách quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện cũng đã thể chế hóa quyền được cung cấp thông tin về môi trường của người dân. Đây là những yếu tố hết sức quan trọng để đưa công tác bảo vệ môi trường thực sự trở thành trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị và của toàn dân.
- Cảm ơn ông về nội dung trao đổi!
----------------------------------------
* Bài viết trong loạt bài phục vụ: "Tuyên truyền nâng cao năng lực truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó với biến đổi khí hậu".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.