Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ và bồi đắp tâm hồn các em

An Định| 30/05/2021 05:25

(HNMCT) - Khi các sân khấu thiếu nhi, rạp chiếu phim đóng cửa do dịch bệnh, kỳ nghỉ hè của thiếu nhi dường như chỉ còn gói gọn ở chiếc ti vi và những thiết bị điện tử. Đó là một thiệt thòi nhưng cũng là cơ hội để chúng ta đánh giá lại tiềm năng quá lớn cũng như lỗ hổng trong việc sáng tạo nội dung dành cho thiếu nhi trên các nền tảng số.

Để tạo nên những kênh giải trí lành mạnh cho trẻ em trên môi trường mạng rất cần sự tham gia của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp như Nhà hát Tuổi trẻ.

Quá nhiều “bẫy”

Ngày 17-5 vừa qua, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã có công văn gửi Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) về việc đề nghị bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Công văn nêu rõ: Hiện nay, trên mạng xã hội (YouTube, Facebook...) đang xuất hiện kênh Timmy TV với những video, clip có nội dung, hình ảnh độc hại, mê tín, kinh dị, rùng rợn... không phù hợp với trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ. Do đó, Cục Trẻ em đề nghị Cục An toàn thông tin, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn, gỡ, xóa bỏ kênh và xử lý theo quy định để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Được biết, kênh Timmy TV hoạt động từ năm 2018, đã đăng tải 874 video, clip. Tuy nhiên gần đây, nhiều nội dung trên kênh này đã bị phụ huynh lên án bởi nội dung không phù hợp. Đại diện Cục Trẻ em cho biết họ nhận được nhiều phản ánh và kiến nghị xử lý kênh thông qua Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

Những chương trình sản xuất dành cho thiếu nhi có chất lượng tốt như của Nhà hát Tuổi trẻ còn quá ít so với  yêu cầu.

Thực tế, việc liên quan tới kênh Timmy TV chỉ là “giọt nước làm tràn ly” khiến cơ quan quản lý buộc phải xử phạt mạnh tay, nó cho thấy ngay cả khi đăng ký kênh nội dung cho thiếu nhi, những người làm YouTube đã vượt qua giới hạn do luật định để câu view.

Cách đây ít lâu, YouTuber Thơ Nguyễn cũng bị dư luận lên án vì clip xin vía học giỏi mang tính mê tín dị đoan, không phù hợp với trẻ nhỏ, và bị phạt hành chính 7,5 triệu đồng. Đây là một YouTuber khá nổi tiếng với gần 9 triệu người dùng đăng ký theo dõi kênh song cũng thường xuyên bị khán giả chỉ trích vì những video phản cảm. Kênh Gokid TV đăng ký nội dung dành cho trẻ em cũng bị người dùng “report” (phản hồi, phản ánh tới cơ quan chức năng) vì nhiều nội dung phi giáo dục nên đành ẩn video và đổi tên kênh...

Theo Sổ tay hướng dẫn của YouTube dành cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ em, các nội dung không phù hợp gồm: Sử dụng các nhân vật giải trí gia đình không phù hợp, các nội dung bạo lực, biến dạng cơ thể, khiêu dâm, các hành động mất vệ sinh, tội phạm, hoạt động dành cho người lớn, ngôn ngữ không phù hợp, nội dung có yếu tố kinh dị, gớm ghiếc...

Lọc bằng công nghệ: Chưa đủ!

Đáp ứng đòi hỏi cần phải phân loại nội dung trên mạng xã hội có tới hơn 2 tỷ người dùng, năm 2018 YouTube đã cho ra mắt YouTube Kids dành riêng cho trẻ em. Tuy nhiên, giải pháp sàng lọc mang tính kỹ thuật này vẫn không ngăn được những người làm nội dung kiếm tiền bằng mọi giá.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, cuối năm 2020, có khoảng 120.000 người Việt Nam đăng ký làm video trên nền tảng YouTube, trong đó 15.000 kênh thu tiền quảng cáo, 350 kênh có hàng triệu người theo dõi. Một thống kê khác cũng cho thấy YouTube cũng là một trong những kênh giải trí phổ biến với trẻ em hiện nay, đặc biệt là trẻ em ở các thành phố lớn như Hà Nội.

Hiện ứng dụng YouTube Kids có khoảng 200 triệu lượt tải về, chứng tỏ trẻ em thực sự là một “mỏ vàng khổng lồ” để những người làm nội dung hướng tới và thu lợi. Con số ước tính về doanh thu của kênh Thơ Nguyễn khoảng hơn 1 tỷ đồng mỗi tháng khiến cho công chúng “choáng váng”, và nó lý giải vì sao những người làm nội dung tìm mọi cách để khai thác, kể cả những nội dung không phù hợp, phản cảm...

VTV ký kết hợp tác sản xuất các nội dung trên nền tảng số dành cho thiếu nhi.

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ đã nâng tỷ lệ tháo gỡ video xấu độc, thực thi pháp luật với YouTube từ 50% lên đến 90%, tiến tới đạt 100% trong thời gian tới. Điều này cho thấy các cơ quan quản lý đã rất tích cực trong việc giám sát, xử phạt những kênh vi phạm. Song để có được môi trường mạng xã hội trong sạch cho thiếu nhi là điều khó khả thi trong thời điểm hiện nay bởi nhiều lý do. Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam từng chia sẻ: Việc kiểm soát, quản lý và giữ cho môi trường internet được trong sạch ở mức tối ưu là không dễ, bởi có nhiều điều không hẳn nằm trong phạm vi điều tiết của pháp luật Việt Nam.

Có một thực tế là không phải phụ huynh nào cũng có đủ thời gian để kiểm soát toàn bộ nội dung mà con họ có thể xem trên YouTube hay mạng internet. Chính vì vậy, điều mà người dùng trông chờ là những biện pháp mạnh tay hơn trong xử phạt, trong cách quản lý của các mạng xã hội và từ chính nhận thức của người làm nội dung cho trẻ thể hiện qua việc luôn đặt tiêu chí giáo dục lên hàng đầu.

Cần xây dựng những kênh nội dung uy tín

Không khó để nhận ra rất nhiều kênh dành cho trẻ em hiện nay có nội dung na ná nhau, phổ biến nhất là các nội dung ăn theo phim hoạt hình, giới thiệu đồ chơi... Cách sản xuất chương trình của nhiều kênh còn nghiệp dư. Một số kênh được yêu thích cũng có nội dung hạn chế, thiếu sự thẩm định và đầu tư kỹ càng. Do đó, việc bỏ lọt những video thiếu tính giáo dục, phản cảm, có nội dung không phù hợp lứa tuổi là điều rất dễ xảy ra. Chính vì vậy, bên cạnh việc tạo ra những công cụ để bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội, việc gia tăng các nội dung hữu ích, quảng bá rộng rãi những kênh lành mạnh trên các nền tảng số là việc cần phải được các đơn vị làm nghệ thuật chuyên nghiệp tính đến.

Kênh Timmy TV với nhiều nội dung độc hại đã bị yêu cầu xử phạt.

Đầu năm 2021, VTV đã cho ra mắt dự án sản xuất và phân phối các chương trình dành cho thiếu nhi trên các nền tảng số của VTV. Theo thông cáo của VTV, dự án bao gồm chuỗi phim hoạt hình dài tập, được phát sóng hằng ngày cùng các chương trình thiếu nhi có tính thời sự và tương tác cao được thực hiện với mục tiêu hình thành hệ sinh thái các chương trình thiếu nhi đặc sắc trên nền tảng số. Theo kế hoạch, từ giữa năm 2021, các chương trình này sẽ được phân phối trên nền tảng số của VTV như ứng dụng xem truyền hình trực tuyến VTVGo, báo điện tử VTVNews và các trang mạng xã hội của VTV để các bé có thể xem mỗi ngày, mọi lúc mọi nơi.

Đại diện VTV cũng cho biết: Hiện VTV Digital tiếp cận trực tiếp tới 24,5 triệu khán giả trên VTVGo; cùng với đó là 60 triệu người dùng, với 2 tỷ views/tháng trên Facebook và YouTube, đồng thời hiện diện trên tất cả các trang mạng xã hội khác như TikTok, Zalo, Twitter... Đó sẽ là kênh lan tỏa chương trình một cách hiệu quả nhất. Thông tin này được bạn đọc rất hoan nghênh bởi khi những đơn vị lớn như VTV tham gia sáng tạo và phổ biến nội dung trên các nền tảng số, mạng xã hội sẽ là địa chỉ tin cậy để các bậc phụ huynh yên tâm lựa chọn.

Trước đó, tháng 5-2020, để ứng phó với dịch bệnh, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã xây dựng kế hoạch đặt hàng 12 nhà hát thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa chương trình nghệ thuật lên YouTube. Nếu các đơn vị như Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ... tích cực đưa các chương trình của mình lên YouTube thì sẽ tạo ra những kênh uy tín giúp trẻ có thể thưởng thức nghệ thuật ngay tại nhà, phù hợp với điều kiện hiện nay, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn cho thế hệ trẻ.

Rõ ràng, việc có nhiều người tìm đến các nội dung giải trí trên nền tảng số, mạng xã hội là một xu hướng không thể cưỡng lại, ngay cả với trẻ em. Bởi vậy, bên cạnh những giải pháp mang tính kỹ thuật, sự quan tâm hơn nữa của các bậc phụ huynh, thì việc các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, các công ty sản xuất chương trình “đa dạng hóa thực đơn tinh thần” cho các bé cũng chính là cách để “lan tỏa cái tốt, đẩy lùi cái xấu”, bảo vệ và bồi đắp tâm hồn các em.

Trước sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng kênh, số lượng video dành cho thiếu nhi nhưng lại rất khó kiểm soát về chất lượng, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng, các bậc phụ huynh và các em nhỏ khi phát hiện những nội dung, hình ảnh có dấu hiệu sai phạm thì liên lạc với Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để nhận sự hỗ trợ kịp thời.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ và bồi đắp tâm hồn các em

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.