Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ sản xuất trong nước

Thủy Tiên| 16/08/2015 06:06

(HNM) - Trong những ngày qua, truyền thông quốc tế nóng lên khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc liên tiếp giảm giá đồng nhân dân tệ so với đồng đô la Mỹ ở mức 4,6%. Trước việc đồng nhân dân tệ giảm giá, các chuyên gia kinh tế trên thế giới nhận định: Nó sẽ tác động đến kinh tế thế giới nhất là các quốc gia có quan hệ đầu tư và thương mại lớn với Trung Quốc.


Với Việt Nam, các chuyên gia kinh tế trong nước cho rằng: Đồng nhân dân tệ giảm giá có ảnh hưởng đến kinh tế trong nước. Nếu ngày 9-8 phải mất 3.514,556 đồng để "mua" 1 nhân dân tệ thì ngày 13-8, "mua" 1 nhân dân tệ chỉ mất 3.442,065 đồng, nghĩa là nhân dân tệ trở nên rẻ hơn so với tiền đồng Việt Nam. Và khi nhân dân tệ rẻ hơn thì hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ bán rẻ hơn, điều đó tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước. Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định Thương mại tự do nên hàng hóa Trung Quốc nhập vào Việt Nam cũng bình thường như hàng hóa các nước khác. Tuy nhiên, thương mại hai nước lại có điểm khác vì có chung đường biên giới trên bộ, trên biển nên hàng hóa vào Việt Nam còn có thể là nhập lậu. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng mặt hàng rau, củ, quả nhập khẩu từ Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2015 đã đạt kim ngạch 61,6 triệu USD tăng 6,19% so với cùng kỳ năm 2014. Song con số thực tế còn cao hơn nhiều vì buôn lậu qua biên giới diễn ra hằng ngày. Một điều ai cũng nhìn thấy là hàng tiêu dùng Trung Quốc không chỉ có mặt trong các siêu thị mà còn có mặt tại các chợ quê, từ đồ gia dụng đến thực phẩm trong đó có rau, củ, quả. Như vậy đồng nhân dân tệ giảm giá thì hàng nhập khẩu chính ngạch đã rẻ thì hàng nhập lậu lại còn "2 lần rẻ" vì... trốn thuế.

Trước khi đồng nhân dân tệ giảm giá, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước đã phải cạnh tranh với hàng cùng loại giá rẻ từ Trung Quốc và hàng nhập lậu thì nay khó khăn sẽ tăng lên nhiều lần. Một trong những biện pháp "giảm" cho sản xuất trong nước mà các quốc gia thường áp dụng mà không bị coi là vi phạm thỏa thuận thương mại là đưa ra các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Việt Nam cũng có hàng rào kỹ thuật nhưng tiêu chuẩn thấp hơn nhiều với các quốc gia.

Vì thế mới có chuyện cơ quan kiểm dịch cửa khẩu nhận được kết quả từ trung tâm phân tích gửi đến thì rau, củ, quả nhập từ Trung Quốc về đã được thông quan và chủ hàng đã bán hết. Cũng vì thiết bị công nghệ không đáp ứng được yêu cầu nên quá phụ thuộc vào cảnh báo của cơ quan quản lý của một số nước. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, nếu Việt Nam không lập hàng rào kỹ thuật mới hay có các biện pháp kiểm soát hiệu quả thì từ bây giờ đến cuối năm 2015, hàng tiêu dùng Trung Quốc sẽ "rộ" trở lại, điều mà Việt Nam vất vả lắm mới hạn chế được một phần trong mấy năm qua.

Đối phó với tình trạng đồng nhân dân tệ giảm giá, ngày 12-8, Ngân hàng Nhà nước đã nâng biên độ giao dịch giữa đồng Việt Nam và đồng USD từ +/-1% lên +/-2%, đây là phản ứng kịp thời nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, chứng khoán, thị trường vàng và bước đầu có tác dụng tích cực. Tuy nhiên trong cuộc họp với các ban, bộ, ngành ngày 14-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp tục theo sát tình hình, đánh giá cụ thể tác động, ảnh hưởng đến từng lĩnh vực đồng thời chủ động đưa ra biện pháp cụ thể trong đó có bảo vệ sản xuất trong nước.

Bảo vệ được sản xuất trong nước mới có tăng trưởng và người lao động mới có việc làm có thu nhập. Bảo vệ sản xuất trong nước cũng là giảm nhập siêu, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng thì ngoài việc "nâng cấp" hàng rào kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị cùng công nghệ kiểm tra hiện đại phải quyết liệt chống buôn lậu. Chỉ có thực hiện đồng bộ các biện pháp mới đối phó hiệu quả trước việc đồng nhân dân tệ giảm giá.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ sản xuất trong nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.