(HNM) - Hiện, các giao dịch mua - bán diễn ra nhanh gọn và đa dạng hơn trước rất nhiều nhờ hình thức thương mại điện tử. Ngày càng có nhiều sàn giao dịch trực tuyến ra đời, trở thành cầu nối giữa các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, giá trị giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam tăng tới 18%.
Song, thời gian qua, câu chuyện hàng hóa bán trên sàn thương mại điện tử không đúng mô tả, chất lượng chưa bảo đảm đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Khi thương mại điện tử ngày càng phát triển thì vi phạm này ngày càng gia tăng. Đáng bàn hơn, để yêu cầu đổi, trả sản phẩm, người tiêu dùng thường mất nhiều thời gian, chi phí; thậm chí yêu cầu chính đáng của người tiêu dùng còn bị doanh nghiệp lờ đi. Bộ Công Thương cho biết, bình quân có 500-2.000 vụ khiếu nại/năm liên quan đến nội dung trên.
Trước thực trạng đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP (ngày 25-9-2021) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16-5-2013 về thương mại điện tử. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Theo đó, sàn thương mại điện tử phải xử lý kịp thời, loại bỏ khỏi website sản phẩm vi phạm pháp luật như quảng cáo sai sự thật, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ… trong vòng 24 giờ khi phát hiện sai phạm. Sàn giao dịch thương mại điện tử cũng phải cảnh cáo hoặc từ chối cung cấp dịch vụ đối với doanh nghiệp vi phạm, đồng thời tăng cường kiểm tra, thẩm định thông tin và chất lượng sản phẩm đăng tải trên sàn.
Như vậy, đã có thêm quy định về trách nhiệm quản lý, giám sát, xử lý vi phạm về thương mại điện tử. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần nâng cao hiểu biết, kịp thời phản ánh sai phạm gặp phải với cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.