(HNM) - Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ phải công khai danh sách doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Một trong những lý do khiến doanh nghiệp "trốn" niêm yết là không muốn công khai thông tin về tài chính, tình hình kinh doanh. Có doanh nghiệp e ngại sau khi minh bạch hệ thống dữ liệu sẽ bị cơ quan chức năng thanh, kiểm tra. Có đơn vị lại đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ bị thâu tóm bởi các đối tác có nguồn lực mạnh… Đáng lo ngại hơn, có chuyên gia còn cho rằng, các nhóm lợi ích tiêu cực ngăn cản việc doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa niêm yết trên sàn chứng khoán, thậm chí chi phối, làm trì trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh để hạ giá cổ phiếu, nhằm dễ dàng mua cổ phần của doanh nghiệp với giá rẻ, làm thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước.
Việc các doanh nghiệp trì hoãn lên sàn đã gây mất niềm tin trong giới đầu tư, khiến họ “quay lưng” với nhiều đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng, các cổ đông cũng khó khăn trong nắm bắt, cập nhật thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.
Như vậy, việc đưa cổ phiếu lên sàn và minh bạch hóa thông tin của doanh nghiệp cổ phần hóa là hoạt động rất cần thiết.
Giải quyết tình trạng này, Nghị định 145/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đã quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán không đúng thời hạn. Tuy nhiên, tình trạng chậm lên sàn vẫn diễn ra phổ biến. Có lẽ, bởi chẳng mấy doanh nghiệp bị xử phạt về hành vi này nên nhờn luật, hoặc cơ quan chức năng chỉ “giơ cao đánh khẽ” nên chưa đủ sức răn đe?
Mới đây, Thông tư 36/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 217/2013/TT-BTC ngày 31-12-2013 hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (hiệu lực từ ngày 15-6) được kỳ vọng sẽ có đủ sức nặng, buộc các công ty phải lên sàn khi áp dụng mức phạt từ 300 triệu đồng đến 400 triệu đồng (khung cao nhất tại Nghị định 145/2016/NĐ-CP) nếu sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản yêu cầu thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán nhưng công ty đại chúng không thực hiện.
Song, cũng chưa hẳn đã hết băn khoăn…
Thực tế, không phải đơn vị cổ phần hóa nào cũng đủ tiêu chí vốn điều lệ 10 tỷ đồng trở lên và có ít nhất 100 cổ đông (quy định theo Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước) để trở thành công ty đại chúng, đủ điều kiện đưa cổ phiếu lên sàn. Ngoài ra, việc niêm yết cổ phiếu còn phải được sự đồng thuận của cổ đông… Vì thế, cần phân định rạch ròi, trong số hàng trăm doanh nghiệp chưa đăng ký niêm yết, có bao nhiêu đơn vị đủ điều kiện nhưng vẫn chây ỳ? Bao nhiêu doanh nghiệp không đưa cổ phiếu lên sàn mà không có lý do chính đáng?
Với những đơn vị vi phạm cũng cần xem xét, ràng buộc thêm các chế tài khác như hạn chế về vay vốn, về lĩnh vực đầu tư… Đặc biệt là cần xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu nếu cố tình trì hoãn vì tư lợi cá nhân.
Chỉ khi các chế tài được áp dụng đúng, đầy đủ thì mới tránh được tình trạng tranh tối, tranh sáng trong việc đưa cổ phiếu lên sàn. Các doanh nghiệp tuân thủ quy định sẽ đồng nghĩa với việc thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.