(HNM) - Rừng có vai trò đặc biệt quan trọng trong giữ gìn môi trường sống, do vậy công tác bảo vệ, phát triển và phòng, chống cháy rừng luôn được thành phố quan tâm. Hiện đang là cao điểm mùa khô hanh và lễ hội nên nguy cơ xảy ra cháy rừng luôn ở mức cao.
Thời tiết đang có nhiều diễn biến phức tạp và là thời kỳ cao điểm phát nương làm rẫy, mùa lễ hội... Nếu không được giám sát chặt chẽ sẽ dễ xảy ra cháy rừng. Để chủ động trong công tác này, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phòng, chống cháy rừng mùa khô, nhất là trong thời gian diễn ra lễ hội, tập trung ở các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Mỹ Đức...
Cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Sóc Sơn tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Bá Hoạt |
Xã Minh Quang (huyện Ba Vì) có hơn 700ha đất rừng, chủ yếu là rừng trồng, mỏng, dễ cháy. Với phương châm "bốn tại chỗ", Hạt Kiểm lâm huyện và chính quyền địa phương xác định phòng, chống cháy rừng luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trên hệ thống loa truyền thanh của xã thường xuyên thông tin diễn biến thời tiết, bản tin dự báo, cảnh báo cấp độ nguy cơ cháy rừng ở từng khu vực để chủ rừng, người dân biết, chủ động phòng ngừa. Cùng với đó, xã cũng rà soát, tu sửa đường băng trắng cản lửa những khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng...
Tại huyện Thạch Thất, các hoạt động đốt dọn thực bì trồng rừng, phát nương làm rẫy và sử dụng lửa gần các khu vực có rừng được các địa phương quản lý, hướng dẫn, giám sát chặt chẽ. Ông Hoàng Chí Lượng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết: Huyện đang quản lý 2.580ha rừng, trong đó rừng đặc dụng là hơn 632ha, rừng sản xuất khoảng 1.869ha, rừng phòng hộ gần 79ha. Để bảo vệ diện tích này, huyện đã yêu cầu Chủ tịch UBND các xã có rừng chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện và pháp luật nếu để xảy ra chặt phá rừng, cháy rừng trên địa bàn quản lý...
Tuy vậy, công tác phòng, chống cháy rừng trên địa bàn thành phố vẫn gặp không ít khó khăn. Ông Trần Quang Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang, huyện Ba Vì cho biết: "Phương tiện chữa cháy rừng trên địa bàn xã vẫn còn hết sức thô sơ, như dùng cành cây, xô chậu múc nước... dập lửa. Nếu cháy nhỏ, phát hiện kịp thời thì có thể xử lý được, nhưng nếu cháy lớn, gặp thời tiết bất lợi thì việc chữa cháy gặp nguy hiểm, khó khăn và kém hiệu quả"… Đặc biệt, ở một số địa phương của huyện Sóc Sơn, vẫn còn có hộ dân sống trong khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng, thường xuyên bất cẩn trong việc sử dụng lửa nên nguy cơ xảy ra cháy rừng khá cao.
Theo ông Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng trực thuộc Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, bước vào mùa hanh khô, các ngành chức năng đã xác định các vùng trọng điểm, dễ xảy ra cháy để có giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; hướng dẫn các chủ rừng, chính quyền các địa phương có rừng xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trình cấp thẩm quyền phê duyệt và đôn đốc triển khai. Chi cục cũng phối hợp chặt chẽ với công an, quân đội, chính quyền các địa phương trong thực hiện quy chế phối hợp; tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo đảm kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, đi đôi với trồng cây gây rừng thì việc bảo vệ rừng có ý nghĩa to lớn, giúp môi trường sống của Thủ đô ngày một xanh - sạch - đẹp. Vì thế, Sở đã đề nghị các đơn vị liên quan và địa phương trong thời gian tới, tiếp tục làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, không để xảy ra cháy rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép; đồng thời trực phòng cháy, chữa cháy 24/24 giờ và cập nhật đầy đủ số liệu dự báo phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn thành phố...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.