Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ, duy tu không gian nghệ thuật công cộng: Cần sự chung tay của cộng đồng

Trà Giang| 07/01/2023 20:06

(HNMCT) - Những không gian nghệ thuật công cộng mang đến cho Hà Nội một sức sống mới, nhưng cùng với thời gian, sự tác động của môi trường và người dân, nhiều tác phẩm đã bị hư hỏng hoặc xuống cấp nặng nề. Việc giữ gìn các tác phẩm nghệ thuật này đòi hỏi có sự chung tay của cả cộng đồng.

Ảnh: Nhật Minh.

Khoác áo mới cho phố bích họa Phùng Hưng

Những ngày đầu năm mới, đến phố bích họa Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), công chúng có cảm giác vừa thân quen vừa mới lạ bởi không gian này như được khoác tấm áo mới. Có cảm giác đó là do các tác phẩm nghệ thuật ở khu vực này vừa được các họa sĩ chỉnh trang, tu sửa lại.

Họa sĩ Lê Đăng Ninh, người trực tiếp thực hiện việc tu sửa các tác phẩm nghệ thuật ở đây cho biết: Phố bích họa Phùng Hưng đã bước sang năm thứ 5 kể từ khi được đưa vào sử dụng. Các tác phẩm được trưng bày ngoài trời, chịu tác động của nắng mưa, lại thường xuyên tương tác với người xem nên đã xuống cấp, bong tróc, phai màu. Qua 2 tuần thực hiện tu sửa, các tác phẩm đã dần trở lại hiện trạng ban đầu, sau khi được gia cố lại nền, vẽ lại, sơn mới và sơn phủ nên tươi sáng hơn. Còn với các tác phẩm điêu khắc, các họa sĩ phải tìm những vật liệu thay thế, trám vào những chỗ bị hư hỏng.

Chẳng hạn, với tác phẩm “Kim vàng giọt lệ” của họa sĩ Dương Mạnh Quyết, chiếc xe Honda cup - phương tiện quen thuộc một thời của người Hà Nội, cũng gắn với chợ xe máy cũ ở phố Phùng Hưng - đã bị phai màu, mất một số phụ kiện. Nhóm họa sĩ phục chế phải đi tìm mua phụ kiện thay thế và cố định lại để tác phẩm bền hơn khi tương tác với người xem.

Hay để phục hồi tác phẩm “Máy nước công cộng” của họa sĩ Thế Sơn, nhóm phải đến các xưởng để đặt làm riêng các thùng đựng nước với độ dày gấp 3 lần bình thường, sau đó làm cho cũ đi... Sau khi được phục chế, các tác phẩm gần như trở lại vẻ ban đầu và lại thu hút được sự chú ý của công chúng. Dịp Tết Dương lịch vừa qua, nhiều người đã chọn địa điểm này để chụp ảnh.

Dự án phố bích họa Phùng Hưng được các họa sĩ Hàn Quốc và Việt Nam thực hiện, khai trương vào tháng 2-2018. Đoạn phố dài hơn 200m, trưng bày tổ hợp 20 tác phẩm gồm cả tranh tường và điêu khắc trên tổng số 127 vòm cầu, gợi nhớ về một Hà Nội cách đây không lâu qua hình ảnh Bách hóa tổng hợp; gánh hàng rong; ông đồ cho chữ, xếp hàng lấy nước máy... Trong một thời gian dài, tuyến phố này đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Nội. Mỗi dịp cuối tuần hay ngày lễ, nơi đây thu hút hàng trăm lượt khách check-in.

Dự án tu sửa phố bích họa Phùng Hưng do quận Hoàn Kiếm phối hợp với nhiều tổ chức thực hiện nhằm đưa nghệ thuật công cộng vào cuộc sống, phát huy giá trị di sản đô thị của khu phố cổ Hà Nội. Nhóm họa sĩ tu bổ phố bích họa Phùng Hưng có 5 người, gồm 3 thợ sửa chữa và 2 họa sĩ vẽ phục chế. Họ đã làm việc trong 2 tuần để khôi phục nguyên trạng những tác phẩm trên tường.

Các nghệ sĩ thực hiện việc tu sửa tác phẩm tại phố bích họa Phùng Hưng. Ảnh: Thế Sơn

Hiện trạng chung

Không chỉ phố bích họa Phùng Hưng mà thời gian qua, nhiều không gian nghệ thuật công cộng ngoài trời của Hà Nội đã rơi vào tình trạng xuống cấp, cần phải chỉnh trang, tu bổ gấp.

Chẳng hạn như tại không gian nghệ thuật Phúc Tân, hầu hết các tác phẩm trưng bày tại đây đã bị hư hỏng nặng nề, khiến cho không gian nghệ thuật bị biến dạng. Tác phẩm “Thuyền” của tác giả Vũ Xuân Đông được sắp đặt từ vỏ chai nhựa nay đã bị rơi rụng nhiều phần, vỏ các chai nhựa bị bám bụi, rêu mốc. Tác phẩm “Múa lân” của họa sĩ Xuân Lam tái hiện hình dạng những cây tò he cỡ lớn cũng bị hư hỏng, đổ gãy. Nhiều tác phẩm bị rơi, gãy các chi tiết, có tác phẩm bị người dân che lấp bởi các vật dụng khác.

Thậm chí, nhiều tác phẩm dường như đã biến mất hoàn toàn, chỉ còn sót lại vài mảnh ghép phía chân tường, cây cối cỏ dại mọc um tùm. Khu vực sắp đặt tác phẩm “Gánh hàng rong”, “Phù điêu Đông Dương” của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn bị người dân chiếm dụng để bán hàng nước...

Cảm giác của người xem khi đến khu vực nói trên khác hẳn so với thời điểm cách đây 3 năm. Nếu như đầu năm 2020, người dân vô cùng phấn khởi khi một bãi rác gây ô nhiễm ở ven sông Hồng biến thành không gian nghệ thuật với những tác phẩm được sáng tạo từ vật liệu tái chế, thì đến nay, người xem rơi vào trạng thái ngao ngán khi các tác phẩm nghệ thuật đang trong tình trạng xuống cấp, nhếch nhác.

“Các tác phẩm trưng bày ngoài trời khác hẳn với các tác phẩm được bảo quản trong bảo tàng. Cùng được làm từ một loại vật liệu nhưng các tác phẩm trong phòng trưng bày được bảo vệ khỏi mưa nắng, không bị tác động bất lợi từ môi trường. Còn với các tác phẩm ngoài trời thì sự tác động từ tự nhiên là rất lớn, đặc biệt là ảnh hưởng từ sự tương tác với du khách và người dân sống ở xung quanh đó... Vật liệu nào cũng có tuổi thọ nhất định, việc hư hỏng, xuống cấp là khó tránh khỏi. Bởi vậy, các tác phẩm ở ngoài trời cần được bảo vệ, duy tu thường xuyên thì mới đảm bảo được chất lượng” - họa sĩ Lê Đăng Ninh chia sẻ.

Chung tay gìn giữ không gian nghệ thuật công cộng

Những năm gần đây, Hà Nội đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng, phát triển các không gian nghệ thuật công cộng. Mới đây, Thành phố phát động Cuộc thi thiết kế các không gian nghệ thuật công cộng trong khu phố cổ Hà Nội nhằm đẩy mạnh việc hiện thực hóa các sáng kiến có được khi thành phố tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Sự ra đời và phát triển các không gian nghệ thuật công cộng đã và đang đóng góp rất tích cực vào việc cải thiện môi trường sống, nâng cao đời sống tinh thần của người dân, thúc đẩy du lịch phát triển.

Tuy nhiên, quy chế về thực hành nghệ thuật công cộng, đi kèm với đó là cơ chế quản lý, bảo vệ vẫn chưa có, khiến cho việc gìn giữ các không gian này gặp nhiều khó khăn. Sự xuống cấp của một số không gian nghệ thuật công cộng như bức tường gốm sứ ven sông Hồng, không gian nghệ thuật Phúc Tân hay phố bích họa Phùng Hưng đã phản ánh thực tế ấy.

“Việc bảo vệ các tác phẩm, không gian nghệ thuật cần có sự chung tay không chỉ của cơ quan quản lý, các nghệ sĩ mà còn của cả cộng đồng xung quanh. Tôi rất buồn khi thấy nhiều người thờ ơ với việc bảo vệ những tác phẩm đang làm đẹp cho chính không gian sống của họ. Những bức tranh, tác phẩm gắn trên tường mà đá bóng vào thì làm sao không hỏng? Ngay như ở phố bích họa Phùng Hưng, khi chúng tôi đang tu sửa tác phẩm, xe cộ vẫn để tràn lan, người dân vẫn đá bóng, đá cầu ngay cạnh tác phẩm... Không có người bảo vệ, ý thức người xem không được nâng lên thì rất khó bảo vệ được tác phẩm lâu dài, và điều đó nằm ngoài khả năng của nghệ sĩ” - họa sĩ Lê Đăng Ninh nhận định.

Việc chỉnh trang, tu sửa phố bích họa Phùng Hưng là một tin vui cho các không gian nghệ thuật công cộng, cho thấy sự vào cuộc của chính quyền, sự chung tay của nghệ sĩ để giải quyết tình trạng xuống cấp của các tác phẩm. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có cơ chế quản lý, bảo vệ, duy tu định kỳ các không gian nghệ thuật công cộng và sự chung tay của cả chính quyền, nghệ sĩ và người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ, duy tu không gian nghệ thuật công cộng: Cần sự chung tay của cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.