(HNM) - Mật độ giao thương tăng cao cùng diễn biến thời tiết phức tạp nên thời điểm này luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội, đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội hiện đứng trong tốp đầu cả nước với 180 nghìn con trâu, bò; 2,04 triệu con lợn; 26,68 triệu con gia cầm... Trong năm 2018, một số địa phương của Hà Nội xuất hiện ổ dịch nhỏ lẻ tại các hộ chăn nuôi. Đơn cử, tại huyện Ba Vì, trong 2 tháng cuối năm 2018, xảy ra 7 ổ dịch lở mồm long móng trên đàn lợn của 7 xã và xuất hiện tình trạng xác lợn bị vứt ra nơi tập kết rác sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường... Cùng thời điểm, tại các huyện: Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đan Phượng, Thường Tín... cũng xuất hiện các ổ dịch lở mồm long móng nhỏ lẻ. Tuy nhiên, nhờ có giải pháp đồng bộ, kịp thời, quyết liệt của cơ quan chức năng, đến nay dịch đã bị đẩy lùi.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, cùng với tiềm ẩn của các ổ dịch cũ, dịp cuối năm là thời điểm gia tăng hoạt động vận chuyển, kinh doanh, giết mổ động vật nên một số dịch bệnh nguy hiểm (tai xanh, cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi...) dễ có nguy cơ lây lan. Bên cạnh đó, diễn biến thời tiết phức tạp làm giảm sức đề kháng của vật nuôi; đặc biệt, đối với bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn thương phẩm dễ phát sinh ổ dịch nhỏ lẻ do chưa được tiêm phòng vắc xin triệt để. Một nguy cơ khác, mặc dù tại Việt Nam chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng tại Trung Quốc, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng lây lan tại các tỉnh gần biên giới nước ta. Do đó, cùng với tăng cường phòng, chống ổ dịch bệnh, Hà Nội cần tiếp tục triển khai quyết liệt nhằm ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhiễm; đồng thời, có phương án sẵn sàng ứng phó nếu dịch bệnh xảy ra...
Thực hiện sự chỉ đạo của thành phố, Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội đã lập kế hoạch cụ thể thực hiện thường xuyên trong năm; riêng thời điểm giáp Tết, tất cả hoạt động đều được tăng cường, sát thực hơn. Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội chỉ đạo trạm thú y các quận, huyện, thị xã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Hiện, Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội rà soát xong tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên toàn địa bàn thành phố; tiến hành xong việc tổng tẩy uế môi trường tại 100% xã; tiêm phòng vắc xin bổ sung; vận động người chăn nuôi chăm sóc đàn gia súc theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT…
Mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2019 của ngành Nông nghiệp Thủ đô, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu khẳng định: Thời điểm này, phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Nông nghiệp. Trước hết, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức người chăn nuôi: Không giấu dịch, không vứt xác động vật ra môi trường, chia sẻ và hợp tác với chính quyền, cơ quan chuyên môn những thông tin liên quan đến dịch bệnh... Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần nâng cao trách nhiệm trong phát hiện dịch bệnh, nếu có ổ dịch cần tiêu hủy ngay đàn vật nuôi mắc bệnh và hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi (hiện, mức hỗ trợ tối thiểu là 38.000 đồng/kg thịt lợn). Mặt khác, cần có biện pháp xử lý nghiêm những địa phương chủ quan, lơ là và hộ chăn nuôi không chấp hành quy định về phòng, chống dịch bệnh.
“Chúng ta không thể để tình trạng chỉ vài chục con lợn mắc bệnh vứt bừa bãi mà ảnh hưởng tới cả nền chăn nuôi quy mô mấy triệu vật nuôi cùng sự an toàn thực phẩm của thành phố” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.