Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bão từ “thức giấc”

Văn Giang| 24/02/2012 06:53

(HNM) - Sau khoảng 11 năm hoạt động với cường độ yếu, năm 2012 này được các nhà khoa học vật lý địa cầu thế giới dự báo sẽ là thời điểm


Các nhà khoa học cho rằng, trên bề mặt Mặt trời thường xuất hiện các vết đen và từ đây sẽ làm bùng nổ các chùm plasma. Khi các chùm plasma được giải phóng và tới Trái đất sẽ gây ra các biến thiên từ mạnh gọi là bão từ. Các vết đen xuất hiện càng nhiều thì khả năng xuất hiện bão từ càng lớn. Tuy nhiên, không phải vết đen nào cũng gây ra bão từ. Các chùm plasma khi tới Trái đất có tạo thành bão từ hay không thì chỉ có thể biết trước trong vòng 30 phút…


Nghiên cứu địa từ tại đài Phú Thụy (Hà Nội).

Nghiên cứu của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy, năm 2012 con người sẽ phải hứng chịu nhiều trận bão từ, có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng. Vào khoảng năm 2013, sau kỳ "ngủ đông", Mặt trời sẽ "thức giấc", tạo nên những cơn bão từ cực mạnh tấn công Trái đất. Sức mạnh của một trong số những trận bão này có thể tương đương với sức công phá của 100 quả bom Hydro.

Theo PGS-TS Hà Duyên Châu (Viện Vật lý Địa cầu - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), sau đợt bão từ cực đại gần nhất xảy ra năm 2001, năm 2011, bão từ chỉ xấp xỉ khoảng 20 trận và cường độ yếu. Trong năm 2012 này, bão từ sẽ gia tăng với khoảng từ 40-45 trận. Cường độ bão được phân chia thành 5 mức, trong đó cấp 1 nhỏ nhất tương ứng với 50-100nT (nano Tesla - đơn vị đo cường độ bão từ) và cấp 5 tương ứng từ khoảng 400-500 nT. Năm nay, bão từ có thể đạt cấp 4-5. Tuy nhiên, trong mỗi chu trình cũng chỉ xuất hiện 1-2 trận có cường độ đạt "đỉnh" 600-700nT và dự báo nhiều khả năng xuất hiện vào năm 2013 hơn là năm 2012.

Trong lịch sử, bão từ mạnh đã để lại không ít hệ lụy, đặc biệt là với hệ thống truyền tải điện, thiết bị vệ tinh và các ống dẫn dầu khí. Cụ thể: năm 1957, hệ thống điện lực ở Canada từng bị hỏng do bão từ. Trận bão từ xảy ra vào năm 1989 làm hệ thống đường dây điện 500KV ở Quebec (Canada) tê liệt trong 9 giờ gây thiệt hại hàng tỷ USD. Bão từ với luồng từ trường mạnh có thể phá hỏng các linh kiện có trong vệ tinh làm ảnh hưởng đến khả năng truyền thông tin liên lạc, làm mất tín hiệu đường truyền hoặc làm sai lạc các dữ liệu. Chưa có kết quả cụ thể nào cho thấy bão từ trực tiếp gây chết người. Tuy nhiên, một kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Liên Xô trước đây cho thấy, vào những năm bão từ hoạt động cực đại, số lượng người chết vì bệnh tim mạch tăng 30%.

PGS-TS Hà Duyên Châu cho biết thêm, hoạt động của bão từ bao trùm cả Trái đất vì thế không có chuyện bão từ xảy ra ở nơi này nhiều, nơi kia ít. Việt Nam nằm gần vùng xích đạo nên khả năng chịu ảnh hưởng của bão từ là không nhỏ. Năm 2011, nước ta đã từng đo được trận bão từ có cường độ lên tới 650nT. Thông thường, bão từ với cường độ dưới 200nT không gây tác động xấu và không phải tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng bởi bão từ. Vào những năm bão hoạt động mạnh, vào những ngày thấy cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi, đau nhức, bồn chồn, khó thở thì nên hạn chế tham gia giao thông và tránh làm việc ở trên cao. Đặc biệt, các bệnh nhân tim mạch, thần kinh, xương khớp cần lưu ý nhiều hơn.

Hiện rất ít phương thức phòng tránh cho những người bị mẫn cảm với từ trường. Ở Nga, vào những năm bão từ mạnh, người ta làm những lồng pharaday có tác dụng ngăn từ trường. Khi có bão từ mạnh xảy ra, những người có tiền sử về bệnh tim mạch, bệnh về xương khớp được vào lồng để cách ly. Ở Việt Nam, vấn đề này chưa thực sự được đặt ra và chưa có bệnh viện nào có các lồng pharaday. Tuy nhiên, để ứng phó khi bão từ cường độ mạnh, bệnh nhân mắc bệnh mạch vành, bệnh động mạch cảnh... đang được chỉ định dùng các loại thuốc chống đông máu, chống kết dính tiểu cầu phải dùng thuốc đều đặn, nhất thiết không được đứt quãng và không nên ra ngoài để giảm thiểu tác động của điện từ. Đặc biệt, người bệnh cũng nên uống đủ nước trong ngày để tránh hiện tượng máu cô đặc vì nếu bão từ xảy ra thì hiện tượng đông máu sẽ hình thành dễ hơn, nguy cơ tai biến có thể xảy ra.

Các đợt bùng phát của bão từ hiện nay chưa thể dự báo được chính xác thời điểm. Các nhà thiên văn chỉ có thể quan sát được các hiện tượng bùng nổ trên bề mặt Mặt trời để đưa ra cảnh báo ảnh hưởng của bão từ vài ngày sau đó khi gió Mặt trời lan đến Trái đất qua các kính thiên văn chuyên dụng. Việt Nam hiện có bốn đài địa từ đặt ở Lào Cai, Hà Nội, Lâm Đồng và Bạc Liêu. Các đài này hằng ngày thu thập dữ liệu rồi chuyển về Viện Vật lý địa cầu để phân tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bão từ “thức giấc”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.