Những năm gần đây, nhu cầu tham gia các hoạt động lễ hội của cộng đồng ngày một lớn hơn. Nét tích cực là con người hướng về nguồn cội.
Song, không ít bất cập nảy sinh từ sự thiếu hiểu biết về ý nghĩa của lễ hội cũng như những hạn chế về quản lý. Hà Nội hiện có chừng hơn 1.000 lễ hội các loại và mỗi mùa lễ hội là một mùa “gạn đục, khơi trong” để sinh hoạt văn hóa quan trọng này không chỉ là dịp hướng về nguồn cội mà còn trở thành động lực phát triển văn hóa.
Sự hồi sinh mạnh mẽ
Mùa hội xuân Quý Mão 2023, khu danh thắng Hương Sơn với điểm đến quan trọng nhất là chùa Hương (huyện Mỹ Đức) đón hơn một triệu lượt khách - kém khá xa so với lượng khách đến chùa Hương trước khi dịch Covid-19 xảy ra, nhưng vẫn cho thấy sức hút của khu danh thắng này.
Hà Nội hiện có hơn 1.000 lễ hội các loại, phần lớn diễn ra vào dịp đầu xuân. Ngay từ những ngày đầu năm mới, dù chưa phải là lễ hội, người dân cũng tấp nập đến các di tích. Ngoài lễ hội chùa Hương, nhiều lễ hội khác cũng thu hút được lượng lớn khách thập phương tham gia, như lễ hội Đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), lễ hội Đống Đa (quận Đống Đa), lễ hội Lệ Mật (quận Long Biên), lễ hội đền Và (thị xã Sơn Tây), lễ hội Cổ Loa, lễ hội đền Sái (huyện Đông Anh)...
Mỗi dịp lễ hội, các di tích trên đều đón hàng chục nghìn khách du lịch. Đã có một khoảng thời gian khá dài, do điều kiện kinh tế - xã hội hoặc bối cảnh chiến tranh, nhiều lễ hội không được tổ chức, hoặc bị tiết giảm nghi lễ. Nhưng có thể nói, chưa bao giờ lễ hội hồi sinh mạnh mẽ như hiện nay.
Tuy nhiên, đi cùng với sự hồi sinh ấy là khá nhiều bất cập làm đau đầu những nhà quản lý cũng như cộng đồng. Lễ hội đền Sóc có màn phát lộc - hoa tre sau khi dâng thánh, nhưng có năm lễ phát lộc trở thành màn tranh cướp; các mâm lễ vật đối diện với nguy cơ bị du khách "vét sạch" trong quá trình rước từ đền Thượng xuống đền Hạ. Vài năm trở lại đây, tình trạng cướp lộc cơ bản chấm dứt, tuy nhiên, để làm được điều này, ban tổ chức phải huy động lực lượng an ninh khá lớn để duy trì trật tự.
Lễ hội Giằng bông (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức) cũng luôn đem đến cảm giác hồi hộp mỗi kỳ tổ chức. Với quan niệm có được “bông” sẽ gặp nhiều may mắn, sinh con trai, nhiều nam thanh niên sẵn sàng sử dụng sức mạnh để tranh giành. Kết quả là may mắn chưa thấy đâu, nhưng những va chạm tay chân đã xảy ra. Lễ hội chùa Hương nhiều năm trước thường thấy cảnh đốt vàng mã bừa bãi, xem bói thuê, người chèo đò vòi tiền khách, khách bị “chặt chém” khi sử dụng dịch vụ đi lại, ăn uống, tiền lẻ được rải từ ban thờ cho đến gốc cây...
Dù có những tiêu cực xảy ra, nhưng không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của lễ hội trong đời sống hôm nay. Nhiều nét đẹp của lễ hội truyền thống được khôi phục. Điển hình như tục kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên) vốn trước đây chỉ được coi như một tục hèm, một trò vui trong hội, nhưng nay Nghi lễ và trò chơi kéo co đền Trấn Vũ và ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc đã trở thành đại diện cho Việt Nam, cùng với Campuchia, Hàn Quốc, Philippines... được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bên cạnh đó, việc tổ chức lễ hội còn đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho các địa phương. Mỹ Đức là một huyện thuần nông, không có trục giao thông lớn đi qua, kém phát triển về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nhưng du lịch chùa Hương góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của huyện. Mỗi mùa lễ hội, ngân sách thu được nhiều tỷ đồng từ việc bán vé. Ngoài ra có khoảng hơn 4.000 đò tham gia vận chuyển khách trên suối Yến, chưa kể hàng trăm hộ gia đình kinh doanh dịch vụ đi lễ, ăn uống, lưu trú...
Hoạt động lễ hội chính là một yếu tố quan trọng cấu thành sức hút của du lịch văn hóa, và rộng hơn là công nghiệp văn hóa. Ở khía cạnh xã hội, việc nhiều lễ hội được tổ chức còn đáp ứng tốt nhu cầu tìm về nguồn cội, tìm về những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Tham gia các hoạt động lễ hội, dù ít, dù nhiều mỗi cá nhân đều được tương tác với giá trị văn hóa truyền thống với thông điệp về chân - thiện - mỹ của cha ông gửi gắm. Từ đây, rất cần “gạn đục, khơi trong”, đi tìm sự thích ứng của lễ hội trong cuộc sống đương đại.
Gạn đục - khơi trong
Tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, điều kiện sống được nâng lên và người dân có điều kiện để đi du lịch nhiều hơn. Cách đây dăm chục năm, một lần dự hội chùa Hương vẫn là mơ ước cuộc đời của không ít người. Nhưng bây giờ, do điều kiện giao thông thuận tiện, kinh tế phát triển, chuyện người dân đi du lịch, tham gia lễ hội mỗi năm vài lần không còn là lạ. Phần lớn lễ hội đều gắn với một không gian tâm linh cụ thể, thường là di tích. Tuy vậy, khi số lượng người dự lễ hội ngày càng đông đúc thì không gian và công tác tổ chức lễ hội cũng bị thay đổi theo.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc cho biết: “Lễ hội đền Sóc có năm xảy chuyện phức tạp do một số người tranh giành lễ phẩm là trầu cau, giò hoa tre. Trước đây, hai lễ phẩm này là dành cho người làng tham gia lễ hội, chúng tôi thường phát cho mọi người. Tuy nhiên, ngày nay, lượng khách đến lễ hội rất đông, các phương tiện truyền thông có khi thông tin chưa chính xác, dẫn đến nhiều người hiểu là “cướp lộc”, điều này gián tiếp dẫn đến những bất cập, lộn xộn, tranh giành lộc thánh”. Đây chỉ là một trong những thí dụ điển hình về những sai lệch trong lễ hội mà sự “tăng trưởng nóng” đem lại.
Nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Trần Lâm Biền cho rằng, những bất cập trong công tác tổ chức lễ hội, những lộn xộn ở di tích đầu xuân như nạn đốt vàng mã bừa bãi, rải tiền lẻ trên ban thờ, "nhét" tiền vào tay tượng... bắt nguồn từ hiểu biết hạn chế. Nhiều người thành tâm khi làm việc đó, nhưng cái tâm đó phải được dẫn dắt bằng trí tuệ thì mới có cách ứng xử đúng. Nghĩa là phải hiểu được giá trị của lễ hội, ý nghĩa của phong tục. Để làm được điều này thì các cấp chính quyền, ngành Văn hóa phải tích cực tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu rõ vấn đề.
Việc “gạn đục, khơi trong” là cần thiết. Hiện nay, nhiều lễ hội được bổ sung hoạt động mới, nhất là hoạt động trong khuôn khổ phần hội, và được cộng đồng chấp nhận bởi đây là yếu tố “mới” so với lễ hội truyền thống của một địa phương cụ thể nhưng phù hợp với văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Những hoạt động này thường là múa rồng, thi đấu cờ tướng...
Về giải pháp chấn chỉnh hoạt động tổ chức lễ hội, không thể không nói đến các giải pháp “lấy xây để chống”, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các lễ hội. Hiện nay, Thành phố Hà Nội là đơn vị đi đầu trong xây dựng quy tắc ứng xử, trong đó có quy tắc ứng xử tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được hướng dẫn tại Điều 6 của Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây cũng là giải pháp hiệu quả, góp phần tích cực ngăn chặn các hành vi phản cảm, thiếu văn hóa tại các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.
Mùa lễ hội xuân Giáp Thìn 2024 cũng là năm đầu tiên Hà Nội thực hiện Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Hiện nay, 100% quận, huyện, thị xã đã ban hành kế hoạch tổ chức lễ hội trên địa bàn. Việc thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử và Bộ tiêu chí nói trên sẽ góp phần làm lành mạnh hóa môi trường tổ chức lễ hội.
Lấy xây để chống cũng là giải pháp có tính bền vững trong việc ngăn chặn những hành vi trục lợi trái phép, nhất là nạn “chặt chém” hoặc vòi tiền khách hành hương bên cạnh việc xử lý các vi phạm bằng chế tài nghiêm minh. Cần tăng cường tuyên truyền để người dân ở những nơi có lễ hội lớn nhận thức được rằng, việc cung cấp dịch vụ chất lượng với giá phù hợp sẽ tạo nên thương hiệu du lịch cho những địa phương đó. Văn hóa dân tộc là một dòng chảy không ngừng. Lễ hội là một thành tố của dòng chảy ấy. "Gạn đục, khơi trong" trong lễ hội không dễ thu được thành công trong ngày một, ngày hai mà cần cả một quá trình bền bỉ, với sự tham gia tích cực của các bên liên quan.
Chỉ khi làm được điều ấy thì mới bảo đảm cho dòng chảy văn hóa dân tộc thật sự thông suốt, vững bền, những giá trị của văn hóa dân tộc hội tụ trong lễ hội mới thật sự được trao truyền cho thế hệ mai sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.