(HNM) - Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL) và Hội Kiến trúc sư Việt Nam vừa tổ chức tọa đàm “Bảo tồn di sản và định hướng kiến trúc Phật giáo Việt Nam”.
Chùa Một Cột, một công trình tiêu biểu của kiến trúc Phật giáo Việt Nam. |
Khắc phục tình trạng sao chép
Theo thống kê chưa đầy đủ, nước ta có khoảng 14.000 di tích Phật giáo (hơn 30% tổng số di tích của cả nước). Được sự quan tâm của các cấp, các ngành chức năng và cộng đồng dân cư, nhiều ngôi chùa đã được trùng tu, tôn tạo, nhiều chùa mới được xây dựng khang trang, trở thành điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh và thiếu sự định hướng về kiến trúc đối với các công trình Phật giáo khiến cho không ít công trình xa rời giá trị truyền thống. “Chùa Việt Nam, gắn liền với văn hóa Việt Nam nhất thiết phải có nét riêng, chứ không thể giống chùa Tây Tạng, chùa Bhutan, chùa Trung Quốc… như một số công trình xuất hiện trong những năm gần đây. Hàn Quốc, Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc nhưng những ngôi chùa trên đất nước họ vẫn rõ nét văn hóa bản địa. Đã đến lúc chúng ta cần có giải pháp khắc phục tình trạng “copy” kiến trúc nước ngoài”, Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa - Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phản ánh.
Theo GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, một số ngôi chùa, nhất là chùa làng, được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa đã làm loãng giá trị truyền thống. Ngoài kiến trúc không phù hợp, một số chùa còn đưa tượng bằng xi măng trắng vào thờ và tiếp nhận, bài trí hiện vật không phù hợp với không gian di tích cũng như đối tượng thờ tự.
Trên thực tế, có khá nhiều vụ sai phạm trong công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích làm “nổi sóng” dư luận trong thời gian qua có liên quan tới di tích Phật giáo. Nguyên nhân chủ yếu là buông lỏng quản lý, do ý muốn chủ quan của sư trụ trì, của người công đức tu bổ, tôn tạo, thiếu sự định hướng về mặt kiến trúc.
Không thể có “mẫu” chung
Định hướng kiến trúc Phật giáo là vấn đề được giới khoa học đặc biệt quan tâm. Không dừng lại ở lý luận chung, các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư cùng các thành viên Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lặn lội khảo sát nhiều ngôi chùa của các hệ phái Phật giáo khắp ba miền đất nước và nhận thấy không thể đưa ra mô hình thiết kế chung để áp dụng phổ biến. Bởi, các ngôi chùa được xây dựng ở các thời kỳ khác nhau tất yếu phải được tu bổ, tôn tạo khác nhau; tư tưởng của hệ phái này khác hệ phái khác, chùa ở khu vực miền Bắc khác chùa khu vực miền Trung, miền Nam… “Ngay cả các chùa xây mới cũng không nên nhất nhất tuân theo thiết kế điển hình bởi điều đó sẽ hạn chế sự sáng tạo. Quan điểm của tôi là chấp nhận sự phát triển về kiến trúc. Phát triển không có nghĩa là tạo ra sự khác biệt, dị biệt, mà phát triển trên cơ sở kế thừa truyền thống, tạo sự hài hòa với cảnh quan, phù hợp với nhu cầu sử dụng, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng”, ông Vũ Đình Thành, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia phân tích. Theo ông Vũ Đình Thành, các cơ quan liên quan nên xây dựng và đưa ra các nguyên tắc chung, mang tính định hướng để các công trình được tu bổ, tôn tạo hoặc xây mới đúng với tinh thần Phật giáo, “phần vỏ” thực sự phù hợp với “phần lõi”.
Ủng hộ quan điểm cần có những nguyên tắc mang tính định hướng, ông Hồ Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh: “Chúng ta nên tìm ra những yếu tố bất biến ở công trình kiến trúc Phật giáo và tuyên truyền, phổ biến cho tất cả mọi người hiểu yếu tố bất biến ấy là gì. Khi đã hiểu, người thiết kế, thi công sẽ không làm sai lệch giá trị truyền thống, cộng đồng sẽ nâng cao vai trò giám sát, quản lý, nhà tu hành sẽ trao truyền các giá trị ấy cho thế hệ kế tiếp. Cứ như thế, các giá trị chuẩn mực sẽ được giữ gìn. Với các yếu tố không bất biến, kiến trúc sư có thể sáng tạo, đưa vào đó dấu ấn của thời đại”. Là người thiết kế một số công trình Phật giáo được đánh giá cao, kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận khẳng định, các nhà thờ Thiên Chúa giáo không làm theo khuôn mẫu nào nhưng ai cũng có thể nhận diện đó là nhà thờ vì có dấu chữ thập. Các công trình Phật giáo, nếu có thể, cũng nên có biểu tượng đặc trưng.
Quan điểm tôn trọng các giá trị điển hình của các kiến trúc sư được Thượng tọa Thích Thọ Lạc đánh giá là phù hợp với thực tế. Theo Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng nên không thể tạo ra sự đồng nhất về kiến trúc. Cũng cần có biểu tượng chung và dấu hiệu nhận biết riêng để khi nhìn vào, mọi người có thể nhận biết được đâu là chùa miền Bắc, đâu là chùa miền Trung, đâu là chùa miền Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.