Văn hóa

Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh:Dấu ấn chùa Trầm trên hành trình cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hoàng Sơn (lược ghi) 06/10/2024 14:38

Chùa Trầm thuộc thôn Long Châu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ (thành phố Hà Nội) được xây dựng vào năm Cảnh Trị thứ bảy (1669). Ngôi chùa không những có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, mà còn lưu dấu hành trình cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây, Bác đã 4 lần về thăm, làm việc, góp phần lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

1nui-tram.-jpg.jpg
Núi Trầm tại thôn Long Châu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin

Vinh dự 4 lần đón Bác Hồ

Sau khi nước nhà giành được độc lập (năm 1945), thực dân Pháp dưới sự ủng hộ của quân đồng minh lại lăm le quay trở lại xâm lược nước ta. Trước những hoạt động xâm lược trắng trợn của thực dân Pháp, đêm 19-12-1946, cuộc kháng chiến từ cục bộ đã lan ra khắp cả nước. Tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Văn kiện lịch sử này sau đó được Người cho chuyển đến Đài Tiếng nói Việt Nam, khi đó đặt tại Hang Trầm, chùa Trầm (huyện Chương Mỹ) để phát sóng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” vào sáng sớm 20-12-1946.

Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, nêu lên ý chí sắt đá, quyết kháng chiến đến cùng của dân tộc ta. Đồng thời, Người cũng chỉ ra những nét cơ bản về đường lối của cuộc kháng chiến lâu dài, toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính và khẳng định cuộc kháng chiến nhất định thắng lợi.

cong-chua-tram.jpg
Cổng vào khu di tích chùa Trầm. Ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin

Tiếp đó, hơn 22h ngày 21-1-1947, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Hội đồng Chính phủ ở phủ Quốc Oai, Người đã lên xe đến Đài Tiếng nói Việt Nam tại chùa Trầm (huyện Chương Mỹ) để đọc bài thơ Chúc Tết gửi đồng bào cả nước. Tại đây, trong không khí ấm cúng, thiêng liêng của thời khắc đất nước vừa sang Xuân, Bác thân mật nói chuyện và căn dặn các cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, phát thanh viên của Đài: “Đài Phát thanh là công cụ hết sức quan trọng của Đảng, Chính phủ để chỉ đạo và động viên nhân dân cả nước trường kỳ kháng chiến và chọc thủng bức màn bưng bít của địch nhằm cô lập ta. Các cô, các chú phải giữ gìn bằng được tiếng nói của Đảng và Chính phủ trong mọi tình huống”.

Sư cụ trụ trì chùa Trầm sau khi xin được gặp Bác đã tặng Người mâm bánh chưng, bày tỏ chút lòng thành của nhà chùa. Người cảm ơn sư cụ, xin nhận bánh và nói: “Chúc nhà chùa sang năm mới càng ra sức cầu Phật cho kháng chiến chóng thành công”. Trong thời khắc thiêng liêng của đất trời, của lòng thành tâm, sư cụ thưa với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thưa Cụ Chủ tịch, chẳng mấy khi Cụ đến, nhân năm mới, xin Cụ mấy chữ để dán trước cửa chùa”. Bác vui lòng dùng bút lông và nghiên mực đã được mài sẵn, viết mấy chữ Hán trên giấy hồng điều thành đôi câu đối: Kháng chiến tất thắng/Kiến quốc tất thành.

bac-o-chua-tram-e1503540227496.jpg
Bác Hồ nghiên cứu các văn bia trên vách đá tại chùa Trầm. Ảnh tư liệu.

Việc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và bài thơ Chúc Tết năm Đinh Hợi 1947 được truyền đi từ núi Trầm, chùa Trầm có thể không hẳn là một sự ngẫu nhiên, đó là lựa chọn có chủ đích, có ý đồ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán Geneve để đình chỉ chiến sự tại Việt Nam, rút quân về nước, trao trả lại độc lập cho nhân dân Việt Nam.

Ngày 19-5-1957, đúng vào Ngày sinh nhật lần thứ 67 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa Trầm lại có vinh dự được đón Người về thăm. Cùng đi với Bác có các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Vũ Kỳ, Tạ Quang Chiến, Hồ Văn Nhất. Trong hoàn cảnh miền Bắc được hòa bình, Người dành nhiều thời gian cùng các đồng chí của mình tìm hiểu, suy ngẫm về lịch sử của núi Trầm, chùa Trầm và các di tích lịch sử khác. Bác tìm hiểu về những bài thơ viết bằng chữ Hán, các văn bia được khắc trên vách đá của chùa Trầm, núi Trầm.

Lần thứ tư là vào ngày 13-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về chùa Trầm thăm một đơn vị bộ đội đóng quân tại nơi đây. Chuyến đi này của Bác rất lặng lẽ, bí mật nên ít người biết, đó vẫn là tác phong suốt cuộc đời của Người không muốn phiền hà, ảnh hưởng đến người khác. Đến nơi, sau khi thăm hỏi và tìm hiểu đời sống của cán bộ, chiến sĩ, căn dặn về công tác hậu cần, tăng gia sản xuất cũng như giữ gìn bí mật, tôn trọng nhân dân, Người cũng đề nghị cán bộ, chiến sĩ không ngừng tu dưỡng về đạo đức và thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí qua câu chuyện que diêm và hạt cơm rơi, đó là những bài học sâu sắc cho từng cán bộ, chiến sĩ và tất cả chúng ta. Mới hay rằng, sự vĩ đại thường bắt nguồn từ sự bình thường nhất, giản dị nhất.

chua-tram3.jpg
Biểu tượng lưu niệm Đài Tiếng nói Việt Nam tại khu vực chùa Trầm (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Phòng Văn hóa-Thông tin.

Lần đó, Bác đã ở lại và làm việc suốt một ngày ở trong chùa Trầm, Bác căn dặn các đồng chí phụ trách đơn vị bộ đội cứ làm việc của mình, còn Bác làm việc của Bác. Về sau, mọi người mới biết, hôm đó, Bác muốn chọn một nơi thật yên tĩnh để hoàn thành văn kiện lịch sử “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước”, kịp công bố vào ngày 17-7-1966.

Thế rồi, ngày 17-7-1966, trên làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam đã vang vọng lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó như tiếng nói từ lịch sử ngàn năm của dân tộc, là tiếng của cha ông, là khát khao cháy bỏng của tất cả những người dân Việt Nam và còn hơn thế nữa đọng lại trong lời Người: Không có gì quý hơn độc lập tự do!

Trong Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch trần thủ đoạn thâm độc của đế quốc Mỹ, một mặt tăng cường và mở rộng chiến tranh trên cả hai miền Nam - Bắc, một mặt rêu rao lừa bịp về “đàm phán hòa bình”. Người khẳng định, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút hết quân đội và quân chư hầu ra khỏi Việt Nam thì hòa bình sẽ trở lại ngay lập tức. Người tin tưởng cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta nhất định giành thắng lợi cuối cùng.

Trước những thử thách ác liệt của chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân Việt Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Người khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Gần tối hôm đó, trước khi ra về, Bác ân cần căn dặn cán bộ, chiến sĩ: “Các chú phải thường xuyên rèn luyện để thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng. Phải giữ gìn đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, làm cho nhân dân tin yêu bộ đội, giúp đỡ và bảo vệ bộ đội. Có dựa vào dân, đoàn kết với dân mới bảo vệ được mình, che mắt địch và đánh thắng địch”.

Bác còn dặn thêm: “Các chú phải tôn trọng tín ngưỡng của nhân dân, nơi đóng quân của các chú hiện nay là một thắng cảnh, bây giờ chiến tranh ta phải dùng để phục vụ nhiệm vụ quân sự. Các chú phải biết giữ gìn, bảo quản để mai sau đất nước hòa bình làm nơi tham quan rất tốt...”.

chua-hang-chuan.jpg
Cửa vào chùa Hang - nơi còn lưu giữ nhiều tấm bia khắc chữ Hán - Nôm trên vách đá, có giá trị văn hóa, lịch sử. Ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin.

Nơi in dấu hành trình cách mạng của Bác

Trọn đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến với hàng chục di tích linh thiêng nhất của đất nước như: Đền Hùng, chùa Hương, chùa Côn Sơn, đền Ngọc Sơn, chùa Quán Sứ, đền Cổ Loa, chùa Thầy, chùa Trầm, chùa Một Mái, chùa Hà Tiên… Đến với di tích, Người hết sức trân trọng giá trị tâm linh, một lòng kính ngưỡng trước chư vị Phật, thánh, thần… Trong tâm niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như rất nhiều người Việt Nam, thì: “Mái chùa che chở hồn dân tộc/Nếp sống muôn đời của tổ tông”.

Như Người từng nói về lẽ nhân sinh: “Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay lâu đài có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế chỉ là thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc”. Bởi vậy, đã là người Việt Nam không được quên đi gốc tích của bản thân, cội nguồn của dân tộc, chùa chiền chính là nơi lắng đọng hồn cốt của bao thế hệ con người Việt, ký ức của cha ông trong đó.

chua-tram5.jpg
Chùa Trầm là một trong “Tứ đại danh thắng xứ Đoài”. Ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin.

Chùa Trầm có vinh dự là nơi gắn liền với 2 văn kiện lịch sử quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là của dân tộc Việt Nam - đó chính là Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến và Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước. Nay, 2 văn kiện đã trở thành tài sản lịch sử vô giá của quốc gia, là bảo vật quốc gia.

Đến với chùa Trầm, có lẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ gửi gắm vào đó sự kính trọng các giá trị văn hóa của dân tộc mà còn ước vọng sự đồng hành của các tôn giáo, của đạo Phật trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Điều đó cũng hoàn toàn tương đồng với mục tiêu cao cả của đức Phật, đó là giải thoát con người khỏi mọi áp bức, khổ đau, với nguyện ý là “Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha.

Chùa Trầm thực sự là nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, trong đó có tâm hồn lộng gió thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh: Dấu ấn chùa Trầm trên hành trình cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.