(HNM) - Ngày 29-10, trả lời phóng viên Báo Hànộimới, PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, dự kiến phương án bảo tồn chính thức đàn tế phát lộ trong quá trình thi công Nhà Quốc hội sẽ được xác định trong tháng 11 tới.
Đàn tế được phát hiện vào đầu năm nay. Đến đầu tháng 7-2014, Viện Khảo cổ học tổ chức hội thảo quốc tế nhằm đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn, nghiên cứu di tích này. Các ý kiến tại hội thảo đều công nhận đây là kiến trúc tâm linh để tế lễ nhằm khẳng định tính chính đáng của vương triều được trao thiên mệnh. Sau nhiều cuộc trao đổi, thảo luận, bước đầu các nhà khoa học thống nhất tên gọi Di tích tế lễ Trời - Đất của Hoàng đế đầu thời Lý. Theo nhận định của các nhà khoa học, kiến trúc này có giá trị đặc biệt quan trọng trong tổng thể của di tích kiến trúc triều Lý đã xuất lộ. Niên đại của di tích từ khoảng năm 1010 - 1048, được sử dụng cho đến giữa thế kỷ XII. Theo kết luận của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đây là di tích văn hóa tâm linh thuộc loại sớm nhất của Việt Nam, là di tích tâm linh độc đáo chỉ có ở kinh đô đầu triều Lý, thể hiện tinh thần tự chủ, tự cường cao của Đại Việt thời Lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.