Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

Nguyễn Mai| 04/02/2023 06:43

(HNM) - Đến các gia đình để mượn trang phục dân tộc Mường, mượn cồng chiêng cho học sinh khi đi biểu diễn, mời người Mường cao tuổi, hiểu văn hóa tới truyền dạy cho học sinh… Những việc làm ý nghĩa này đã và đang được các thầy, cô giáo Trường Trung học cơ sở Yên Bài A (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) nỗ lực thực hiện nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

Thầy và trò Trường Trung học cơ sở Yên Bài A (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường.

Nỗ lực truyền dạy

Trường Trung học cơ sở Yên Bài A có 302 học sinh, chia thành 8 lớp học. Trong đó, nhà trường có gần 70% học sinh là người dân tộc Mường, sinh sống ở 5 thôn là: Chóng, Quýt, Mít Mái, Muỗi, Bài của xã Yên Bài. “Trong quá trình hội nhập, những nét văn hóa của đồng bào dân tộc bị mai một, đặc biệt với thế hệ trẻ, nhiều em người dân tộc Mường nhưng không nói được tiếng Mường, không biết về cồng chiêng… Trăn trở làm sao để các em học sinh người Mường hiểu và giữ được bản sắc văn hóa, Chi ủy chi bộ, Ban Giám hiệu Trường Trung học cơ sở Yên Bài A đã ấp ủ việc tổ chức truyền dạy bản sắc văn hóa Mường cho các em học sinh”, thầy giáo Hoàng Minh Lợi, Hiệu trưởng nhà trường nói.

Kế hoạch ý nghĩa của Trường Trung học cơ sở Yên Bài A đã được Đảng ủy, chính quyền địa phương ủng hộ. Từ đầu năm học 2022-2023, ngoài nhiệm vụ chính là dạy kiến thức, cán bộ, giáo viên Trường Trung học cơ sở Yên Bài A đã nỗ lực truyền dạy văn hóa Mường cho học sinh thông qua việc dạy tiếng nói, trang phục, dân ca, ẩm thực, trò chơi và đặc biệt là đánh cồng chiêng.

Để thực hiện việc này, nhà trường đã động viên 6 giáo viên, nhân viên là người Mường, nhà ở xã Yên Bài sưu tầm, truyền dạy văn hóa Mường cho học sinh. “Việc tưởng dễ nhưng bắt tay vào thực hiện gặp vô vàn khó khăn. Khó bởi ngay với các giáo viên, dù có người đã ở tuổi ngoài 40 nhưng kiến thức về văn hóa của đồng bào lâu ngày không sử dụng cũng phai nhạt đi nhiều. Ban đầu, chúng tôi vào các thôn, mời người Mường cao tuổi, có tâm huyết bảo tồn văn hóa dân tộc để truyền dạy cho các em học sinh”, cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, Tổng Phụ trách Đội của nhà trường chia sẻ.

Người Mường không có chữ viết, chỉ có tiếng nói. Học nói tiếng Mường không khó, quan trọng là học sinh phải hào hứng và thường xuyên sử dụng sẽ biết rất nhanh. Hằng tuần, vào giờ truy bài thứ ba, thứ năm, thứ bảy, Trường Trung học cơ sở Yên Bài A tổ chức 15 phút nói tiếng Mường. Nhà trường khuyến khích các em người Mường đã biết tiếng Mường truyền lại cho các bạn chưa biết. Nếu như trước đây, đa số các em đến trường không giao tiếp hay ngại giao tiếp bằng tiếng Mường thì nay nhiều em người Mường và cả người Kinh đều biết nói, nghe, giao tiếp sâu về tiếng Mường. Hiện tỷ lệ giao tiếp bằng tiếng Mường trong nhà trường đạt khoảng 80%.

Em Nguyễn Thị Thanh Huyền, học sinh lớp 9B cho biết: "Gia đình em là người Mường sinh sống ở thôn Mít Mái. Là người dân tộc Mường nhưng thế hệ trẻ như em đều không biết múa, hát, đánh cồng chiêng, cũng chưa được mặc trang phục của dân tộc… Từ khi nhà trường tổ chức truyền dạy về văn hóa dân tộc Mường, em đã biết múa sạp, múa bài “Tiếng cồng trên bản Mường”… Hiểu được ý nghĩa trang phục của dân tộc, em ngày càng trân trọng nét văn hóa ông cha để lại".

Còn em Nguyễn Phúc Hoàng, học sinh lớp 8B chia sẻ: "Gia đình em sinh sống ở thôn Muỗi. Ở nhà, bố ít nói tiếng Mường, mẹ nói nhiều hơn nên em học được từ mẹ. Khi nhà trường dạy bản sắc văn hóa dân tộc, thầy hiệu trưởng nói bạn nào biết thì dạy lại cho bạn chưa biết, em mạnh dạn tham gia... Em còn được các thầy cô dạy đánh cồng chiêng, bài hát, bài hò của dân tộc mình".

Trong câu chuyện của mình, em Nguyễn Phúc Hoàng đã ca một đoạn trong bài “Hò gọi chiêng”: "Ho hó ho hò, ho hó ho hò/Dậu dậu chiêng hỡi, dậu dậu hỡi chiêng/Dậu dậu cho tình cảm mo Mường/Dậu dậu chiêng hỡi, dậu dậu hỡi chiêng/Chiêng linh thiêng bốn Mường Bi Vang Thàng Động/Dậu dậu chiêng hỡi, dậu dậu hỡi chiêng”...

Cần được tiếp sức bảo tồn

Bên cạnh nói tiếng Mường, việc hát dân ca Mường và đánh cồng chiêng khó hơn nên phải người có kinh nghiệm truyền dạy. Nhà trường mời những ông mo Mường, người cao tuổi dạy cho học sinh, tạo sự gần gũi, sức hấp dẫn nên được các em đón nhận rất tốt. “Hiện nhà trường đang tổ chức dạy bản sắc văn hóa Mường cho học sinh khối 8 và 9”, thầy giáo Hoàng Minh Lợi cho biết.

Với sự chuẩn bị kỹ càng cùng sự giúp sức của người cao tuổi am hiểu văn hóa dân tộc Mường, qua 6 tháng triển khai đã cho kết quả khả quan. Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Yên Bài A Hoàng Minh Lợi cho hay: "Đối với tiếng Mường, nhà trường đang trong quá trình khảo nghiệm phương án dạy tốt nhất cho học sinh. Để học sinh truyền dạy cho nhau cũng tốt nhưng có người lớn truyền dạy bài bản sẽ tốt hơn. Chính vì vậy, bước sang học kỳ II, chúng tôi dự định mời người cao tuổi trong Hội Cựu giáo chức, Hội Khuyến học của xã thông thạo tiếng Mường tới hỗ trợ, tạo “Ngày nói tiếng Mường” để học sinh biết tiếng Mường nhiều hơn".

Từ chỗ phải đi mượn các bộ cồng chiêng ở các thôn trên địa bàn xã Yên Bài cho học sinh tập, đến nay, Trường Trung học cơ sở Yên Bài A đã được xã và huyện hỗ trợ 1 bộ chiêng mới 12 chiếc nên nhà trường chủ động hơn trong dạy cho học sinh. Sau quá trình truyền dạy, hiện nhiều em học sinh không còn bỡ ngỡ mà đã biết đánh cồng chiêng theo điệu xướng của chiêng cái, hát những bài dân ca Mường, tạo bản hòa ca giữa cồng chiêng và dân ca.

Qua các lớp dạy về văn hóa dân tộc Mường, học sinh hiểu biết thêm về ẩm thực, nhà sàn, các trò chơi, nhảy sạp của đồng bào Mường... Việc đưa văn hóa truyền thống vào trường học tiếp tục bồi đắp cho các em thêm kiến thức, nét đẹp của dân tộc mình để thế hệ trẻ trân trọng, tiếp nối việc giữ gìn, lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo thầy giáo Hiệu trưởng Hoàng Minh Lợi, nhà trường dự định mỗi lớp sẽ thành lập một đội cồng chiêng, hát dân ca Mường; chủ động phối hợp với xã Yên Bài tiếp tục gìn giữ bản sắc văn hóa Mường. Qua đó, khơi dậy trong mỗi học sinh niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc Mường, từ đó lan tỏa ra cộng đồng dân cư... "Tuy vậy, hiện nhà trường vẫn thiếu trang phục người Mường cho học sinh trong các dịp biểu diễn. Mỗi khi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ hoặc đi biểu diễn tại các hội thi, thầy và trò phải đến một số gia đình để mượn trang phục. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ các bộ trang phục chuẩn của người Mường. Nếu được đây sẽ là món quà quý giá đối với thầy và trò nhà trường”, thầy Lợi chia sẻ.

Là ngôi trường ở xã dân tộc miền núi, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, mong muốn của nhà trường là chính đáng để cùng góp sức bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của người Mường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.