Du lịch

Phát triển du lịch Huế bền vững: Bảo tồn bản sắc văn hóa và đổi mới sản phẩm

Nguyễn Anh Tuấn 17/04/2025 - 16:01

Ngày 17-4, Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) phối hợp với Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch thành phố Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Hướng phát triển du lịch thành phố Huế”, nhằm thảo luận các giải pháp phát triển bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh đặc thù của Cố đô.

2.jpg
Huế thu hút du khách bằng du lịch văn hoá di sản. Ảnh: CTV

Phát triển sản phẩm từ thế mạnh di sản

Theo TS Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Huế, văn hóa Huế thể hiện chiều sâu đặc trưng của vùng đất, được khắc họa qua nhiều hệ giá trị văn hóa độc đáo như: Ẩm thực, y phục, kiến trúc nhà vườn, giáo dục, chữ viết, âm nhạc, sân khấu, ngôn ngữ và thơ ca... Những giá trị này hiện đã trở thành tiềm năng to lớn để xây dựng Huế trở thành một trung tâm du lịch quan trọng của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

“Huế vẫn giữ được giá trị của văn hóa truyền thống, mặt khác còn phải tiếp tục sáng tạo những giá trị mới. Điều này đòi hỏi Huế phải thiết lập cách đi đúng đắn, hợp lý để biến văn hóa thành nguồn lực góp phần tăng trưởng kinh tế, nhất là kinh tế du lịch”, TS Phan Tiến Dũng nhấn mạnh.

Thành phố Huế sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển thành một đô thị di sản đẳng cấp nhờ vào lợi thế nổi bật về văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên. So với các đô thị trực thuộc Trung ương khác, trình độ phát triển đô thị của Huế hiện chưa cao, và thành phố cũng không phải là một trung tâm công nghiệp lớn. Tuy nhiên, chính nền tảng tài nguyên văn hóa - du lịch phong phú, đa dạng và độc đáo đã tạo cho Huế một hướng đi riêng biệt trong tiến trình phát triển đô thị bền vững.

1.jpg
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: CTV

TS Nguyễn Đính đề xuất một số định hướng nhằm phát triển du lịch và dịch vụ du lịch thành phố Huế một cách bền vững và hiệu quả. Theo ông, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thành phố Huế cần chú trọng đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, nâng cao chất lượng dịch vụ và đẩy mạnh công tác quảng bá. “Khi các yếu tố này được triển khai đồng bộ, du lịch Huế sẽ phát huy tối đa tiềm năng sẵn có, vươn tầm quốc tế, trở thành điểm đến hàng đầu về văn hóa di sản, nghỉ dưỡng và du lịch xanh”, TS Nguyễn Đính nhấn mạnh.

Còn theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế, trang phục truyền thống là hồn cốt của một dân tộc. Thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xã hội hóa và huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị của áo dài cùng các loại hình trang phục truyền thống, bao gồm cả trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số.

“Nếu được bảo tồn và phát huy tốt, trang phục truyền thống không chỉ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa mà còn mang lại giá trị thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch và dịch vụ”, TS Phan Thanh Hải khẳng định.

Trong khi đó, TS Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch miền Trung, lại cho rằng việc viết nên những câu chuyện độc đáo về ẩm thực trong lịch sử, từ dân gian đến cung đình, cũng sẽ góp phần giúp Huế hiện thực hóa chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trên nền tảng kinh tế di sản, bảo đảm một nguồn nuôi dưỡng văn hóa Huế bền vững.

Phá thế đơn điệu, tạo sức sống mới cho du lịch Huế

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thừa Thiên Huế, nhận định du lịch và văn hóa là hai thế mạnh đặc thù của Huế. Nếu được khai thác hiệu quả, đây sẽ tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững cho Huế.

hue.jpg
Du khách tham quan các điểm di tích của Huế. Ảnh: CTV

Tuy nhiên, theo ông Hoa, thực tế đang cho thấy điểm yếu cố hữu của Huế lại chính là du lịch. So với nhiều địa phương khác, dù không có thế mạnh văn hóa bằng Huế nhưng lại có tốc độ phát triển du lịch vượt trội. “Du lịch Huế vẫn còn đơn điệu, thiếu sức hút mạnh mẽ với du khách. Phần lớn khách đến Huế hiện nay chủ yếu để tham quan di sản như lăng tẩm, cung điện. Gần đây, Huế bắt đầu được quảng bá là ‘Kinh đô áo dài’, ‘Kinh đô ẩm thực’, bước đầu tạo ra chuyển động, nhưng vẫn chưa đủ để tạo bứt phá,” ông Hoa nói.

Một bộ phận du khách đã tìm đến Huế để thưởng thức ẩm thực, thế nhưng vẫn chưa tạo ra được sự sôi động trong du lịch văn hóa. Nhiều nơi còn làm sai lệch giá trị di sản văn hóa ẩm thực Huế. Bên cạnh đó, Huế hiện hầu như không có loại hình du lịch vui chơi, giải trí.

“Chỉ vài bộ bàn ghế sơn son thếp vàng, cho nhân viên, du khách mặc trang phục cung đình, dọn vài món ăn rồi biểu diễn Ca Huế cho khách xem và cho rằng đó là ẩm thực cung đình là không chính xác. Cách làm này cho thấy sự hạn chế trong nhận thức về văn hóa Huế của người làm du lịch”, ông Nguyễn Xuân Hoa thẳng thắn nhận xét.

z6514235299361_49eb70e5045348c2e9bfaf21dd468114.jpg
Khách quốc tế tham quan Huế. Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cũng cho rằng Huế cần có trung tâm vui chơi giải trí xứng tầm, đồng thời tổ chức lại các loại hình du lịch hiện có. “Du lịch biển Huế hiện rất buồn tẻ, chưa tạo được sức hút. Chúng ta cần phá thế du lịch đơn điệu, vừa nâng cao chất lượng du lịch văn hóa, vừa phát triển các hình thức như du lịch biển, du lịch giải trí, du lịch tâm linh... để tạo nên sự đa dạng và hấp dẫn”, ông Nguyễn Xuân Hoa đề xuất.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy du lịch Huế phát triển bền vững. Các vấn đề được quan tâm bao gồm: định hướng phát triển sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc Huế; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch trên nền tảng số; tăng cường liên kết phát triển giữa các địa phương và giữa nhà nước - doanh nghiệp - người dân; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, hội thảo cũng đề cập đến việc khai thác hiệu quả tiềm năng về văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên để phục vụ phát triển du lịch, đồng thời chia sẻ các giải pháp, bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển du lịch thành phố Huế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch Huế bền vững: Bảo tồn bản sắc văn hóa và đổi mới sản phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.